Sớm có các trung tâm triển lãm, hội chợ xứng tầm

Nhiều năm qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi năm diễn ra khoảng 100 triển lãm, hội chợ (TL-HC) quy mô lớn, nhỏ, cả trong nước và quốc tế. Thế nhưng hiện nay, thành phố vẫn chưa có một trung tâm TL-HC nào thật sự xứng tầm…

Một góc Trung tâm triển lãm và hội nghị Sài Gòn (SECC) nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.
Một góc Trung tâm triển lãm và hội nghị Sài Gòn (SECC) nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.

Thành phố Hồ Chí Minh có hai trung tâm TL-HC đúng nghĩa là Trung tâm triển lãm và hội nghị Sài Gòn (SECC) nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7; Trung tâm TL-HC Tân Bình (đường Hoàng Văn Thụ). Tuy nhiên, sau khi Trung tâm TL-HC Tân Bình chính thức đóng cửa để chuyển đổi công năng, chỉ còn lại SECC là nơi tổ chức quy củ. Ðịa điểm thay thế để tổ chức một số TL-HC thường là chọn những nơi có mặt bằng rộng như: Nhà thi đấu Phú Thọ, Nhà thi đấu Nguyễn Du, sân vận động Hoa Lư, công viên Lê Văn Tám, công viên Gia Ðịnh, công viên Tao Ðàn…, với các hội chợ có quy mô nhỏ hơn, không hiếm lần các đơn vị phải tận dụng các bãi đất trống ở khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, sân bóng đá… để tổ chức.

SECC hiện là nơi rộng nhất, hiện đại và đủ chuẩn quốc tế. Theo thiết kế, SECC có tổng diện tích 44.000 m2, nhưng thực tế chỉ có khu nhà chính rộng hơn 10.000 m2 để phục vụ các gian hàng, còn các tầng lầu chủ yếu bố trí các hội thảo, hội nghị, dịch vụ ăn uống. Khi có các TL-HC quốc tế tại SECC với quy mô 400 - 500 gian hàng trở lên, đơn vị tổ chức không cách nào khác là bố trí thêm các nhà lồng bên ngoài.

Trước đây, SECC dự kiến có bốn phân khu và theo từng năm sẽ xây dựng "cuốn chiếu" để đưa vào phục vụ. Nhưng đến nay vẫn chỉ có một phân khu, còn lại bỏ đất trống. Mỗi tháng tại SECC diễn ra từ bốn đến sáu TL-HC với đủ các ngành nghề, tức là bình quân có từ một đến hai sự kiện mỗi tuần, nhưng lịch đăng ký đã kín chỗ đến tận năm 2022.

Ðại diện Công ty cổ phần Gỗ Liên Minh, đơn vị tổ chức Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam (VIFA Home) và Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIFA Expo) hằng năm cho biết, hiện nay thành phố không có một trung tâm nào đủ để đáp ứng với quy mô và số lượng TL-HC tổ chức hằng năm. Tất cả các ngành đều thiếu không gian triển lãm. Với những ngành và hội chợ chuyên ngành cần diện tích gian hàng lớn như: nội thất, máy móc công nghiệp, thời trang thì càng vất vả để tìm vị trí tổ chức. Với VIFA Expo, mỗi năm đều tăng bình quân khoảng 28% số gian hàng, đơn vị tổ chức luôn rất khó khăn trong việc sắp xếp.

Ðại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ, rất nhiều hội chợ mang tầm quốc tế nhưng phải lắp tạm bợ nhà lồng với khung sắt và bạt. Nhu cầu về mở rộng gian hàng, trang thiết bị hiện đại cho một TL-HC quy mô lớn là có, nhưng để bảo đảm có nơi tổ chức sự kiện xứng tầm trong vài năm tới vẫn là chuyện nan giải. Mặc dù đã có nhiều phương thức quảng bá và sự "lên ngôi" của thương mại điện tử, nhưng xúc tiến thương mại qua TL-HC vẫn là kênh hiệu quả. Rất nhiều nước đã quy hoạch xây dựng các trung tâm TL-HC quy mô lên đến hàng chục ha, đầu tư trang thiết bị hiện đại và các công trình phụ trợ để lôi kéo nhiều doanh nghiệp, khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Trung tâm TL-HC chính là "đại diện cho hình ảnh xúc tiến thương mại quốc gia".

Từ năm 2013, Bộ Công thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm TL-HC của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, bên cạnh việc củng cố, nâng cấp và tiếp tục phát huy công năng của các trung tâm TL-HC hiện có tại TP Hồ Chí Minh như SECC, Trung tâm TL-HC Tân Bình…, thành phố sẽ có thêm các trung tâm TL-HC nhóm A cấp quốc gia, quốc tế (gọi chung là cấp quốc gia) với vị trí và vai trò là trung tâm hạt nhân. Từ các trung tâm hạt nhân này, phát triển, lan tỏa các trung tâm TL-HC nhóm B cấp vùng, tiểu vùng, hành lang và vành đai kinh tế hoặc cụm đô thị (gọi chung là cấp vùng) với vị trí, vai trò là trung tâm vệ tinh tại các đô thị lớn, đô thị trung tâm của các vùng, tiểu vùng, hành lang, vành đai kinh tế hoặc cụm đô thị.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, các địa điểm để xây dựng trung tâm TL-HC quốc tế mới đã được xác định trong quy hoạch hạ tầng thương mại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của thành phố, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2017. Theo đó, một trung tâm sẽ nằm trong khu phức hợp với thiết kế "Cánh hoa sen" thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Khu phức hợp này có quy mô 8,3 ha do nước ngoài đầu tư với tổng số vốn 200 triệu USD. Ở thời điểm hiện tại, thành phố đã trình phương án lên Chính phủ và đang trong giai đoạn bổ sung hồ sơ.

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã ký văn bản giao Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan của thành phố nghiên cứu đề xuất địa điểm, hình thức đầu tư phù hợp để xây dựng Trung tâm TL-HC quốc tế về đồ gỗ TP Hồ Chí Minh… Giao Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) tham mưu mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm triển lãm đồ gỗ phù hợp mang tầm quốc tế và bản sắc Việt Nam, mang thương hiệu TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, vào cuối tháng 3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và bố trí quỹ đất; hoặc có chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp để xây dựng một trung tâm triển lãm quy mô lớn về đồ gỗ với diện tích nhỏ nhất khoảng 60.000 m2.