Cùng với 91 điểm chợ hoa Xuân, nhiều tuyến đường phố trên địa bàn Thủ đô tràn ngập sắc hoa đón Tết.
Hoa, cây cảnh hút khách
Đi dọc các tuyến đường Cổ Linh (quận Long Biên), Tố Hữu (quận Hà Đông), Hoàng Hoa Thám, Bưởi (quận Ba Đình), Nhật Tân, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)..., sắc hoa đào, hoa mai, lan, cúc đua nhau khoe sắc cùng với những chậu quất, chậu bưởi sai trĩu trịt.
Cho cả gia đình đi chợ hoa Tết trên phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) trong ngày cuối tuần, chị Trần Thanh Hà, ở phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cho nên tôi tranh thủ đi mua sắm cây hoa để trang trí nhà cửa. Tôi mua sớm vì sợ những ngày sát Tết giá sẽ tăng mà lại không còn nhiều sự lựa chọn. Năm nay, các mặt hàng khá phong phú, đa dạng, giá cũng có nhiều mức khác nhau để các gia đình lựa chọn”.
Giá các loại hoa lan, hoa đào và quất cảnh… cơ bản giữ ổn định như Tết năm trước. Quất Tứ Liên thế bon-sai trong chậu to giá từ 4 đến 5 triệu đồng/cây. Đào thế gốc to có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy theo thế cây. Cành đào có giá vài trăm nghìn đồng/cành. Đào dáng huyền thì đắt hơn, khoảng 500 nghìn đồng đến hai triệu đồng/cành.
Để thu hút khách mua sắm, các nhà vườn năm nay cũng đổi mới, lai tạo hoa ra khá nhiều mầu sắc, hình dáng khác nhau. Lan hồ điệp bên cạnh các chậu cắm nhiều cây hoa to, dài, nhiều nụ, thì năm nay, các loại cây nhỏ cũng hút khách, giá từ 150 đến 500 nghìn đồng/chậu. Các chậu hoa lan được thiết kế với số lượng và mức giá khác nhau. Những chậu to, nhiều tầng, kết hợp gỗ lũa có giá vài chục triệu đồng. Thông dụng hơn là các loại chậu cỡ nhỏ, khoảng 2 đến 5 triệu đồng/chậu, phù hợp để bàn, trang trí trong nhà.
Anh Nguyễn Chiến Thắng, chủ gian hàng quất cảnh tại chợ hoa Tết Hàng Lược cho biết, năm nay các gia đình có xu hướng chọn các chậu quất nhỏ, dáng thế tự nhiên, trồng trong các chậu gốm, chậu sành, giá từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cây tùy thế, dáng. Quất cảnh với đồ trang trí tiểu cảnh bon-sai hoặc gỗ lũa thì có giá cao hơn.
Siêu thị bán hàng xuyên Tết
Bên cạnh các loại hoa, cây cảnh, người dân Thủ đô cũng đã bắt đầu mua sắm bánh, mứt, kẹo, hoa quả, thực phẩm... đón Tết. Tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn, lượng khách tới mua sắm đã tăng hơn ngày thường, nhất là vào hai ngày cuối tuần qua.
Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị Winmart miền bắc Khúc Tiến Hà chia sẻ, những ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đến mua sắm tại hệ thống Winmart tăng 50% đến 60% so với ngày thường do có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng với mức ưu đãi giảm giá từ 5% đến 50%.
Đại diện hệ thống siêu thị AEON Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp đã phối hợp cùng các nhà cung cấp để bình ổn giá, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu cho khách hàng. Đó là chương trình giảm giá từ 15% đến 30% với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hoặc đã qua chế biến, thực phẩm khô, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình và nhiều mặt hàng thời trang. Doanh nghiệp phối hợp các đối tác triển khai các chương trình chiết khấu khi khách hàng mua hàng qua ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt...”.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, hệ thống BRGMart, Haprofood BRGMart đã chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 40 đến 50% so với ngày thường, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ dùng thiết yếu.
Giám đốc hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, lượng khách đến siêu thị Co.op Mart mua sắm hàng hóa trong những ngày cuối tuần đã đông gấp đôi bình thường, trung bình cứ hai tiếng, nhân viên siêu thị phải bổ sung hàng lên kệ một lần. Các mặt hàng bán chạy nhất là thực phẩm chế biến sẵn, đồ khô, bánh, kẹo, rượu, bia...
Đơn vị đã tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 15% đến 50% cho 12.000 dòng sản phẩm. Trong 10 ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, hệ thống siêu thị Co.op Mart tiếp tục giảm giá sâu hơn cho các mặt hàng như lạp xưởng, trái cây, bánh chưng, mâm cỗ Tết... nhằm kích cầu tiêu dùng, giảm áp lực mua sắm cho người dân.
Để tạo sự thuận tiện hơn cho khách hàng mua sắm trong dịp Tết, các siêu thị kéo dài thời gian hoạt động hoặc mở cửa xuyên Tết. Cụ thể, từ ngày 14/1 (23 tháng Chạp) đến ngày 19/1 (29 tháng Chạp), hệ thống Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON Việt Nam mở cửa từ 7 giờ và đóng cửa vào 23 giờ. Ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, trung tâm mở cửa hoạt động từ 11 giờ đến 22 giờ.
Từ mồng 2 Tết trở đi, trung tâm mở cửa theo thời gian bình thường. Siêu thị BRGMart mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ các ngày trước Tết và đến 18 giờ ngày 30 Tết. Hệ thống MM Mega Market thì chỉ nghỉ ngày mồng 1 Tết, các ngày khác mở cửa bán hàng từ 6 giờ đến 23 giờ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.