Bắt mắt từ các quảng cáo
Vòng quanh các khu vực được mệnh danh là "thủ phủ" của các lò luyện thi ở đất Hà Nội như: phố Tạ Quang Bửu (Trường đại học Bách Khoa), Tôn Thất Tùng (Trường đại học Y Hà Nội), đường Xuân Thủy (Trường đại học Sư Phạm 1, Ðại học Quốc gia Hà Nội), Hầu như tất cả các lò luyện thi có mức giá dao động từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/1 buổi và đi kèm là những "chiêu bài" quảng cáo nhằm thu hút "sĩ tử" của riêng mình.
Trong vai hai học sinh đi tìm lớp học ôn (lớp 13), tôi cùng người bạn dễ dàng lọt ngay vào một trung tâm giáo dục thường xuyên cạnh tòa nhà HITC - đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Cô Thời, thầy Thành, đó là họ tên hai người đứng ra tổ chức trung tâm luyện thi này được viết rất bắt mắt ở tấm bảng ngay đầu cổng trường. Trên tấm bảng còn ghi rõ: Chuyên luyện thi đại học, cao đẳng, năm 1994 có lớp 12A1 đỗ đại học 100%; còn năm 2003 - 2004, tỷ lệ học sinh đỗ đại học: 80%, cao đẳng : 20% và có cả tên của hai thủ khoa Nguyễn Mạnh Trung, Cao Phương Liên.
Nhìn dáng vẻ non nớt của hai đứa tôi, cô Thời vui vẻ chép lịch học. Trong lúc bạn tôi tham khảo lịch học, tôi tranh thủ tham quan lớp học. Tại đây, tôi đã gặp bạn Hải Minh (quê Hà Tây), được biết: Kỳ thi đại học năm trước em bị trượt, sau một ngày tìm kiếm lớp học ôn, em quyết định chọn trung tâm này vì thấy quảng cáo ghi 100% thi đỗ đại học hoặc cao đẳng, đội ngũ giáo viên ở đây là những người có kinh nghiệm luyện thi lâu năm...
Ở một trung tâm luyện thi chất lượng cao khác tại ngõ 332, đường Nguyễn Trãi (cạnh Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), trên tấm bảng dán dày lịch học các khối A, B, C, D. Ngoài ra, còn có những lá thư, bài thơ của những cựu học sinh ôn tập tại đây hiện là sinh viên các trường của Ðại học Thái Nguyên, Ðà Nẵng tỏ lòng biết ơn những thầy giáo, cô giáo. Bên cạnh những dòng chữ lấp lánh đó, bao giờ các bạn học sinh đến đăng ký cũng được nghe những lời giới thiệu vàng ngọc dành cho các thầy, cô giáo như: thầy cô, có kinh nghiệm luyện thi lâu năm, hoặc thầy là trưởng khoa của các trường đại học nổi tiếng như: Trường ÐH Bách Khoa, Trường ÐH Sư phạm... Rồi nào là thầy giảng dạy trên VTV2 - Ðài Truyền hình Việt Nam (thầy Võ, thầy Kim)... Những dòng quảng cáo như thế thật sự thu hút sự quan tâm của những người đi ôn thi mong tìm được một chỗ học tốt nhằm chuẩn bị cho kỳ thi mang tính chất bước ngoặt.
Dạo qua một loạt trung tâm, chúng tôi thấy hầu như trung tâm nào cũng chuẩn bị cho riêng mình một đội quân hùng hậu làm quảng cáo như: trông xe, đưa tờ rơi, chỉ dẫn chỗ học, giới thiệu trung tâm cho đến những người bán nước, bán hàng ăn... Những người làm công tác này đều ở độ tuổi trung niên. Rõ nhất là đội ngũ quảng cáo trước Trường đại học Y Hà Nội. Khi chúng tôi dừng xe hỏi thăm trung tâm luyện thi là tất cả bọn họ cùng xúm lại như để tra tấn chúng tôi bằng việc đưa tờ rơi và dùng những lời hay, ý đẹp giới thiệu về trung tâm mình. Thí dụ: các thầy ở đây dạy tốt lắm, những năm trước tỷ lệ đỗ đại học rất cao. Em học khối gì? Nếu em thích thì có thể đến học thử một buổi miễn phí.
Nghe những lời bùi tai đó, tôi liền đi theo một phụ nữ trạc 40 tuổi đến khu giảng đường 19 A3 của Trường đại học Y. Tại đây có một người đàn ông dẫn tôi vào lớp để học thử, song lớp học đông quá không còn chỗ nào để ngồi. Lợi dụng tâm lý của người đi học muốn ngồi trên để dễ dàng tiếp thu bài, Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Thăng Long - Bách Khoa (36A Tạ Quang Bửu) đã ưu tiên những người mua thẻ học trước ở trung tâm được ngồi phía trên, còn không, phải ngồi phía dưới... Nhiều trung tâm còn mượn bừa tên những thầy giáo có tên tuổi để làm tăng giá trị cho trung tâm mình.
Sự thật lò luyện thi
Quảng cáo chiêu sinh ĐH Tô Hoàng. |
Tôi dễ dàng tìm được một lớp học văn mà thầy dạy là một PGS.TS của Trường đại học Sư phạm. Lớp học được tổ chức ở tầng ba một căn nhà bốn tầng nằm sâu trong ngách nhỏ của ngõ 332 đường Nguyễn Trãi. Bước vào lớp học, tôi cảm thấy cảnh tượng hiện ra trước mắt hoàn toàn trái ngược với lời quảng cáo là rộng rãi, thoáng mát của bà chủ trung tâm. Phòng học rộng khoảng 30 m2 mà có tới hơn 130 học sinh ngồi kín chỗ, phải khó khăn lắm tôi mới tìm được một chỗ ngồi cho mình ở phía cuối lớp.
Bàn ghế được kê sát đến nỗi đầu gối người ngồi sau phải ngồi nghiêng vì nếu ngồi thẳng sẽ thúc vào lưng người trước. Sở dĩ có hiện tượng vậy là do bàn và ghế ở đây giống nhau về kích thước, chiều ngang 20 cm, chiều dài 120 cm (1,2 m), chỉ khác mỗi chiều cao (cái ghế cao dùng để làm bàn viết còn ghế thấp để ngồi). Trung bình mỗi bàn có năm người ngồi, lúc cao điểm lên tới bảy, tám người là chuyện bình thường.
Ðúng 6 giờ thầy dạy văn đến. Thầy say sưa giảng bài. Trái ngược với sự say sưa của thầy là thứ âm thanh tổng hợp được phát ra trong lớp bao gồm: tiếng cười đùa, nói chuyện riêng, tiếng ăn quà vặt hay thi thoảng là tiếng rít lên của mi-crô xen lẫn tiếng rít của những chiếc quạt trần lâu ngày không tra dầu mà vẫn phải chạy hết công suất.
Chốc chốc lớp học lại đón thêm các bạn đi học muộn, mới đi học buổi đầu. Những người mới đến bị hết chỗ đành phải ngồi lan ra cả cầu thang. Chẳng bao lâu, lối đi cầu thang cũng bị lấp kín.
Ðể thay đổi không khí, tôi xuống tầng 2 lớp Vật lý. Bầu không khí ở đây có vẻ dễ chịu hơn, vì phòng học này có nhiều cửa sổ hơn, nhưng lượng người vẫn đông chẳng kém gì lớp học văn. Nếu các học sinh lớp văn chăm chỉ chép bài thì các học sinh lớp Vật lý lại chăm chỉ làm bài tập bằng cách vẽ hình, sử dụng máy tính để tính những con số. Nhưng sự chăm chỉ đó xem ra chỉ có ở một số ít người, số còn lại cũng chỉ là tham gia cho nó oai thôi.
Thử thi và những dịch vụ kèm theo
Hiện nay, rất nhiều trung tâm treo biển mở dịch vụ thi thử đại học cho các thí sinh nhưng sự thật về thi thử đại học thì chắc ít ai biết: Ðối với nhiều người lần đầu nghe tới câu thi thử đại học cảm thấy lạ lẫm, nhưng đối với các sinh viên, học sinh từng đi ôn thi đại học, đây là việc quá bình thường. Ðể biết thêm về việc tổ chức thi thử đại học ở một số trung tâm trong khu Bách Khoa và Ðại học Y Hà Nội, tôi vào vai một thí sinh đi tìm lớp thi thử các môn thi khối A (Toán, Lý, Hóa).
Theo lời một cò mồi tên Hồng ở Ðại học Y, thì thủ tục dự thi bao gồm lệ phí cho một khối ba môn 33.000 đồng, trong đó mỗi môn 11.000 đồng (bao gồm cả đề thi, giấy nháp, giấy làm bài thi, người trông thi, đáp án và người chấm thi). Lệ phí đóng trước ngày thi một ngày.
Em Trần Thùy Linh (Khương Ðình-Thanh Xuân) đã từng thi thử đại học cho biết: Những trung tâm thi thử này lấy đề thi và đáp án từ những quyển bộ đề có sẵn mà các thí sinh thường mua về để ôn tập thêm. Còn việc các thầy giáo có tên tuổi phụ trách chấm thi mà trung tâm quảng cáo thì chưa chắc, vì đề thi và đáp án có sẵn thì bà chủ trung tâm cũng có thể tự chấm cho bọn em được.
Ði kèm các dịch vụ quảng cáo, khuyến mại hay thi thử đại học, các "cò mồi" còn in sao điểm chuẩn của các trường đại học, cao đẳng từ năm ngoái hay chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2005 của các trường đã được công bố trên báo chí. Mục đích chính là bán cho các học sinh ôn thi đang cần và làm đầy thêm những chiếc túi không đáy.
Luyện thi đại học là cần thiết nhưng việc này đang bị các ông chủ bà chủ, các trung tâm luyện thi biến thành ngành kinh doanh lợi nhuận cao. Mặc dù trong thời gian gần đây, việc luyện thi đại học đã được Bộ Giáo dục và Ðào tạo, chính quyền các cấp kiểm tra, kiểm soát nhưng xem ra còn quá lộn xộn ở nhiều nơi.