Sóc Trăng tìm giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư

NDO -

Mặc dù Sóc Trăng được đánh giá có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt, đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng cả nước vào năm 2010. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, việc thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Nhà máy xay xát gạo huyện Ngã Năm (Sóc Trăng).
Nhà máy xay xát gạo huyện Ngã Năm (Sóc Trăng).

Thực trạng môi trường đầu tư

Khi mới tái lập tỉnh (năm 1992), Sóc Trăng có điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nội lực rất hạn chế, T.Ư phải tăng cường hỗ trợ để giúp Sóc Trăng vượt qua khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Hiện nay, Sóc Trăng có thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Toàn tỉnh có 2.240 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ hơn 15 nghìn tỷ đồng; sáu dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký hơn 12 triệu USD. Một số dự án có quy mô đầu tư lớn như: nhiệt điện, điện gió, nhà máy xay xát gạo... đã và đang triển khai, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, tỉnh cũng đã cố gắng rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vận hành cổng thông tin điện tử giới thiệu tiềm năng của Sóc Trăng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với thế mạnh 72 km bờ biển, có vùng tôm nguyên liệu dồi dào và vùng lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhưng kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng.

Sóc Trăng hiện có 99% số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, địa bàn hoạt động hẹp, trình độ quản lý hạn chế, công nghệ lạc hậu, kết cấu hạ tầng kém phát triển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của các sản phẩm. Việc xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư chưa tạo được bước đột phá. Mặc dù xếp hạng chỉ số PCI của Sóc Trăng được cải thiện, nhưng các chỉ số chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai lại giảm. Về cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng phát triển chậm hơn so với các địa phương khác được xếp ở vị trí 60/63 tỉnh, thành phố. Tỉnh đã triển khai xây dựng khu công nghiệp An Nghiệp (lấp đầy chỉ hơn 70% diện tích) đang xây dựng hai khu công nghiệp Ðại Ngãi huyện Long Phú và khu công nghiệp Trần Ðề huyện Trần Ðề. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong việc phát triển khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, cung cấp năng lượng, viễn thông và dịch vụ in-tơ-nét. Công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn bất cập do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Chưa có biện pháp khắc phục tình trạng một số chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm chỗ để rồi chuyển nhượng dự án kiếm lời. Do quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với các quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn, nên ngoài các khu công nghiệp, tỉnh không có sẵn quỹ đất cho các dự án đầu tư, dễ gặp những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận đất sạch. Tỉnh chưa thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng do thiếu tài sản thế chấp. Việc hỗ trợ các nhà đầu tư sau khi được cấp chứng nhận đầu tư chưa tốt.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Ðể cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 duy trì trong nhóm 20 tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất cả nước; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính và bồi thường giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ cam kết. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Sóc Trăng tiếp tục minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tăng cường tính liên thông, kịp thời giải quyết những khó khăn của nhà đầu tư. Ðổi mới công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan, tránh tình trạng kiểm tra trùng lắp, kiểm tra nhiều lần. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, sách nhiễu để bảo đảm tính minh bạch, công khai, nhằm loại bỏ chi phí không chính thức trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tỉnh chuẩn bị sẵn quỹ đất cho các dự án kêu gọi đầu tư; tiếp tục hoàn thiện việc quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhằm giải quyết tốt mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp và tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh cây, con với quy mô lớn. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản, đầu tư vào địa bàn nông thôn khó khăn, vùng động lực ven sông, ven biển, khu kinh tế Trần Ðề. Tăng cường công tác đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đa dạng hóa hình thức đào tạo; có chính sách hỗ trợ chi phí cho người lao động trong việc học nâng cao tay nghề theo cơ chế doanh nghiệp - Nhà nước - người lao động cùng chia sẻ.

Sóc Trăng khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng các công trình hạ tầng, áp dụng cơ chế tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng hạ tầng đối với các trục giao thông quan trọng; ưu tiên bảo đảm hệ thống điện, thông tin liên lạc, nước sạch cho các dự án lớn, các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng như: Bệnh viện Ða khoa tỉnh, tỉnh lộ 940, đường ô-tô đến trung tâm xã, đê biển, dự án khu trú đậu tránh bão cho tàu cá tại Kinh Ba,... Ðể nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cần tăng cường quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Kiện toàn hoạt động của Ban Chỉ đạo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, thông qua xây dựng và thực hiện các nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng.