Sóc Trăng tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, bền vững

“Nhìn lại nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, sự đồng thuận xã hội, tinh thần đại đoàn kết là yếu tố then chốt để Đảng bộ Sóc Trăng huy động sức mạnh tổng hợp, thống nhất ý chí thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới”. Đó là khẳng định của đồng chí LÂM VĂN MẪN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân…
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ tư từ trái sang) thị sát vùng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Sóc Trăng.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ tư từ trái sang) thị sát vùng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của địa phương từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đến nay, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược; qua đó, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Một trong những thành tựu ấn tượng nhất là tăng trưởng kinh tế của tỉnh; năm 2022, đạt 7,71%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Hằng năm, sản lượng lúa của tỉnh đều đạt hơn 2 triệu tấn; sản lượng thủy, hải sản hơn 300 nghìn tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 80%; trong đó, có 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những năm gần đây, Sóc Trăng tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch gắn với khai thác tuyến tàu cao tốc Trần Đề-Côn Đảo. Năm 2022, ước tổng lượng khách du lịch đến tỉnh khoảng 2,14 triệu lượt, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 165,7% so với năm 2021; tổng doanh thu từ du lịch năm 2022 tăng 164,2% so với năm 2021. Điểm sáng thứ ba là công tác thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc với hơn 280 lượt nhà đầu tư; qua đó, đã đồng ý chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 51 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư.

Tại sự kiện này, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn 12.078 tỷ đồng; ký kết 18 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng vốn đầu tư các dự án là 212 nghìn tỷ đồng.

Các nhà đầu tư chú ý đến Sóc Trăng do tỉnh đã triển khai, lập, phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch lớn, trọng điểm, như: Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư Cảng biển Trần Đề; quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Sóc Trăng; quy hoạch xây dựng các thị xã, thị trấn, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ trở thành một tỉnh phát triển khá của vùng và là trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng, đồng thời là cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh trong vùng, nhất là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông-Tây với cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Cảng biển nước sâu Trần Đề.

Cùng với đó, Sóc Trăng đã chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh. Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính công (SIPAS) tỉnh Sóc Trăng đạt vị trí cao nhất khu vực; chỉ số PAPI đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ ba trong vùng; chỉ số PCI xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố và thứ 7 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nổi bật hơn cả là công tác giảm nghèo, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng trong việc chăm lo đời sống nhân dân. Đến nay, Sóc Trăng không còn hộ thiếu đói. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn hơn 4,5% và tỷ lệ hộ cận nghèo hơn 7,8%. Trong hai năm 2021-2022, tỉnh đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 174 tỷ đồng, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng 3.496 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Phóng viên: Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng rút ra những kinh nghiệm và bài học gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Nhìn lại chặng đường từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đúc kết: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện cần phải có quyết tâm chính trị cao; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; hành động quyết liệt, trách nhiệm, vừa xem trọng tính toàn diện, nhưng tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tạo động lực phát triển.

Phải giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng của các tầng lớp trong xã hội với những bước đi phù hợp, khả thi. Xây dựng, phát triển, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân tố mới tích cực trên các lĩnh vực; sự đồng thuận xã hội, sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

Biết kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường. Cần phải hết sức chú trọng chăm lo xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Cùng với đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; thực hiện tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có quyết tâm, năng động, sáng tạo, có đủ phẩm chất, năng lực và đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Thực tế cũng cho thấy, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phong cách quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng khoa học, sâu sát cơ sở; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định những nhiệm vụ, giải pháp chính nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Văn Mẫn: Đảng bộ tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tỉnh sẽ thúc đẩy các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sớm hoàn thành đưa vào hoạt động. Khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án mới có tiềm năng như năng lượng, cảng biển, khu logistics, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh hàng hóa lớn; thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

Cùng với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, Sóc Trăng sẽ kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều thành phần dân tộc chung sống hòa thuận từ lâu đời, cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ thành quả chung, có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng mang đậm bản sắc của các dân tộc cùng nhiều hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội phong phú.

Vì vậy, tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch, hỗ trợ nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp.

Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng xác định các khâu đột phá là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm, liên huyện, liên vùng; khẩn trương xúc tiến các thủ tục để kêu gọi đầu tư.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch; trong đó, tập trung khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội; du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hóa trên sông; du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và ven biển….

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!