Sóc Trăng nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Nhờ tích cực triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, bước đầu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương. Nhiều loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt đều gia tăng về sản lượng, giá trị đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã Viên An, huyện Trần Đề thu hoạch lúa thơm - một đặc sản của địa phương.
Nông dân xã Viên An, huyện Trần Đề thu hoạch lúa thơm - một đặc sản của địa phương.

Hiệu quả bước đầu

Để thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng ban hành đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Theo đó, tỉnh xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung ưu tiên đầu tư. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nông dân. Sau gần bốn năm thực hiện đề án, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Kết quả, đến nay tỉnh đã chuyển gần 40 nghìn héc-ta đất sản xuất các loại giống lúa thường, kém chất lượng sang các giống lúa thơm chất lượng cao, lúa đặc sản đặc biệt nhóm giống lúa ST. Năm 2017, toàn tỉnh gieo trồng được 349.903 ha lúa, trong đó diện tích lúa đặc sản, lúa thơm chiếm 50,6% (tăng 19,28% so năm 2016) với tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 2,2 triệu tấn. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mà sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều bước tiến mang lại hiệu quả lớn, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Mô hình cánh đồng lớn ngày càng mở rộng. Hai vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua, nông dân trong tỉnh xây dựng được 528 cánh đồng lớn với 52.534 ha, tăng 39 cánh đồng so năm 2016, chiếm 15% tổng diện tích gieo trồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn linh hoạt vận dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho người dân mua 750 máy gặt đập liên hợp, bảo đảm tỷ lệ cơ giới hóa thu hoạch lúa đạt 98%.

Tại thị trường hiện nay, giá lúa dao động từ 4.500 đồng đến 6.800 đồng/kg, tính ra người nông dân có mức lợi nhuận bình quân khoảng gần chín triệu đồng/ha (tương đương 43,66% chi phí đầu tư), tăng hơn 30% so với thu hoạch thủ công. Ngoài ra, bà con nông dân còn chuyển đổi gần bảy nghìn héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, dưa hấu, đậu, bắp, hành tím… cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 20% đến 30%; có nhiều hộ trồng hẹ, bắp cải ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề đạt lợi nhuận cao gấp 1,5 đến 1,8 lần so với trồng lúa. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch trên một héc-ta đất trồng trọt, thủy sản năm 2017 đạt 147 triệu đồng, tăng 2,63 lần so năm 2008.

Trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng còn chú trọng đẩy mạnh cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã xây dựng, hoàn thành các nhãn hiệu nông sản chủ lực, như: bưởi, cam sành, vú sữa (huyện Kế Sách, Mỹ Tú); nhãn xuồng cơm vàng (Vĩnh Châu); mãng cầu gai (Ngã Năm); xoài Đài Loan (Cù Lao Dung)… với tổng diện tích hơn 29 nghìn héc-ta, thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương, phù hợp điều kiện tự nhiên, năng suất cao, chất lượng tốt và sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Với các loại nông sản này, bà con nông dân có mức doanh thu đạt từ 120 đến 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có một số hộ đạt từ một đến hai tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 40% trở lên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cho biết, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Đến nay, việc thực hiện bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, hợp tác giữa doanh nghiệp, các tổ chức nông dân và nông dân được gắn kết chặt chẽ hơn thông qua nhiều hình thức liên kết. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm được chuyển đổi theo nhu cầu thị trường trên cơ sở liên kết chặt giữa nông dân với doanh nghiệp; hình thành nhiều vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây, thủy sản tập trung với quy mô lớn, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP. Một tín hiệu lạc quan nữa là thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến Sóc Trăng đầu tư kinh phí lớn vào ngành nông nghiệp như xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo, nhà máy chế biến sữa bò, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo thuận lợi để ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh tập trung.

Những khó khăn cần sớm tháo gỡ

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết, kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ nét, chưa thật sự vững chắc. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, điện chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, nhất là trong nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, nhiều địa phương còn chậm triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Giải pháp cho các ngành hàng sản xuất chưa rõ ràng, chi phí sản xuất cao cho nên nông dân khó áp dụng; mối liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ chưa được liên kết chặt chẽ, còn thiếu bền vững. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn lúng túng, năng lực quản lý và điều hành của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo cơ chế thị trường chưa hiệu quả; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao. Tình hình tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn, giá cả thường xuyên biến động, trong khi số lượng doanh nghiệp liên kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân chưa nhiều. Mặt khác, tình hình thiên tai, xâm nhập mặn, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đó, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn...

Để khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã và đang tiếp tục cụ thể hóa đề án cơ cấu lại ngành theo các lĩnh vực, rà soát điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất các nông sản chủ lực. Trước mắt, tập trung thực hiện đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn 2016-2020, nhân rộng các mô hình cây ăn quả có hiệu quả. Quy hoạch, tổ chức sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng ( lúa gạo, hành tím, cây ăn quả…). Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia liên kết; củng cố và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ cùng các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ với các khu vực trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả đã được kiểm chứng, có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh cũng sẽ tập trung chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế địa phương. Tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.