Sau 2 đợt giãn cách xã hội, Sóc Trăng là tỉnh triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến đời sống người dân, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.
Đây là tỉnh đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long đưa cuộc sống nhân dân về trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Tính đến ngày 21/1, toàn tỉnh Sóc Trăng có 32.096 ca mắc Covid-19; trong đó, người đã điều trị khỏi và cho xuất viện là 29.720 ca; số ca tử vong do các bệnh lý nền là 533 ca; đang cách ly điều trị là 1.843 bệnh nhân. Kết quả tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 đạt tỷ lệ rất cao. 100% người dân 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1 và hơn 99% tiêm mũi 2. Tỉnh đã triển khai tiêm 471.854 mũi vaccine bổ sung. Tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi: mũi 1 đạt 100%; mũi 2 đạt 98,2%.
Tỉnh đã triển khai chiến lược bảo vệ nhóm nguy cơ và 100% xã, phường, thị trấn có Trạm y tế lưu động để hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Hiện nay, qua đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, tỉnh được đánh giá ở cấp độ 1 (vùng xanh).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu dự báo, trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron; nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus; dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân gia tăng.
Từ những dự báo, yêu cầu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh phải xem công tác phòng, chống dịch vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên hiện nay với 11 giải pháp chủ động, quyết liệt, không để dịch Covid-19 lây lan, bùng phát.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh, gây khó khăn không cần thiết cho người dân.
Xây dựng, triển khai tốt Kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 - chủng Omicron. Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tiêm vaccine bảo đảm tiêm hết cho 100% đối tượng nằm trong độ tuổi tiêm chủng. Rà soát, có phương án sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả ô-xy y tế để bảo vệ tính mạng của người mắc Covid-19.
Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế tại các xã, phường, thị trấn. Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 phải theo dõi, chăm sóc người bệnh nền, người có nguy cơ cao chặt chẽ trong quá trình điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong; điều trị thuốc đặc hiệu sớm cho đối tượng nguy cơ, giảm số ca bệnh nặng và tử vong.
Tiếp tục nâng cao năng lực y tế, phát huy hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động, để người nhiễm Covid-19 được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất; kịp thời phát hiện, sơ cấp cứu, chuyển tuyến các trường hợp diễn biến nặng. Triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, không để học sinh học trực tuyến kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học theo hướng linh hoạt, hiệu quả.