Việc kiểm tra nhằm từng bước tạo thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” trong nhân dân, mà trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, góp phần hạn chế nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Đối với tất cả các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phải xác minh có phải là cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang hay không để thông báo về cơ quan, đơn vị kiểm điểm, xử lý theo quy định. Riêng các trường hợp là cán bộ, chiến sĩ công an phải xử lý nghiêm theo quy định của ngành.
Lực lượng chức năng sẽ thường xuyên thay đổi phương thức kiểm soát nồng độ cồn. |
Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông, công an cấp huyện thành lập từ 1 đến 2 tổ chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác. Tổ trưởng các tổ chuyên đề căn cứ vào tình hình thực tiễn, đề xuất kế hoạch công tác tuần, trong đó bố trí lực lượng bảo đảm khép kín tuyến, địa bàn khi kiểm soát và có phương án bố trí lực lượng chốt chặn để kiểm soát các trường hợp cố tình quay đầu xe, rẽ sang đường khác để trốn tránh lực lượng kiểm tra.
Lực lượng sẽ thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát, kết hợp chặt chẽ giữa tuần tra, kiểm soát công khai với hóa trang để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; sử dụng camera ghi lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ chuyên đề, đồng thời làm căn cứ xử lý các trường hợp gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
Tập trung kiểm tra, xử lý ở các tuyến giao thông trong đô thị, kể cả các tuyến đường nhánh đấu nối vào đường chính; các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là trên tuyến quốc lộ 1; các tuyến đường tỉnh, đường huyện, kể cả các tuyến đường nông thôn; các tuyến đường dẫn vào các nhà hàng, quán ăn, nơi tổ chức các sự kiện, khu vực vui chơi, giải trí có khả năng sử dụng rượu bia.