Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu phấn đấu chuyển đổi số của tỉnh trong 10 năm tới với từng lĩnh vực.
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh phương thức hoạt động, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản trị, điều hành của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; phát triển mạnh công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số.
Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Khi đó, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh; 90% đối với cấp huyện; 70% đối với cấp xã; hoàn thành việc xây dựng tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu cấp huyện, cấp xã đưa vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và các hệ thống thông tin của cơ quan.
Tỉnh phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; hạ tầng cáp quang đến hộ gia đình đạt 100%; 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều văn bản về chuyển đổi số, tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số ở một số tỉnh.
Hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh với 7 hệ thống thông tin thành phần đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 và được Bộ Công an đánh giá là một trong những tỉnh bảo đảm các yêu cầu cơ bản về an toàn thông tin, đủ điều kiện để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và Trung tâm Giám sát điều hành của tỉnh cũng được quan tâm, triển khai bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận…
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hữu Hạnh, trong lĩnh vực hạ tầng số, Sóc Trăng hiện có 15 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, 186 điểm phục vụ bưu chính; 72 điểm bưu điện văn hóa xã đều thực hiện dịch vụ bưu chính, chuyển phát; dịch vụ tài chính bưu chính...; có 790 trung tâm hành chính thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, hầu hết các doanh nghiệp bưu chính đều dựa trên công nghệ số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Hiện tại, toàn tỉnh có 1.268 trạm thông tin di động; trong đó, 958 trạm phát sóng 2G; 1.124 trạm phát sóng 3G, 906 trạm phát sóng 4G và 3 trạm phát sóng 5G, phủ sóng 3G, 4G, 5G cho các địa bàn dân cư; mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, ấp.
Cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; mạng viễn thông đã cơ bản cung cấp dịch vụ tới 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đặc biệt mạng thông tin di động.
Tổng số thuê bao điện thoại bao gồm cố định và di động 1.200.449 thuê bao; trong đó, thuê bao cố định là 22.012, thuê bao di động là 1.178.437, đạt 100,1 thuê bao/100 dân; tổng số thuê bao Internet khoảng 164.220 thuê bao, đạt 13.69 thuê bao/100 dân.
Thành phố Sóc Trăng, thuộc tỉnh Sóc Trăng, đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Với mục tiêu nhằm cung cấp cho lãnh đạo góc nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố, trung tâm đã được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bảo đảm tính chân thực, chính xác, minh bạch; tạo sự tương tác trực tuyến giữa người dân-doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Trung tâm này có chức năng tích hợp, phân tích các thông tin dữ liệu sẵn có, bao gồm 11 phân hệ: phản ánh hiện trường, sổ đảng viên, kinh tế-xã hội, dịch vụ công, y tế, giáo dục, tư pháp, phần mềm giám sát thông tin trực tuyến, hệ thống camera giám sát môi trường, giao thông và hệ thống camera nhận diện khuôn mặt (AI).
Trong đó, phân hệ hệ thống camera giao thông đi vào vận hành, giúp cơ quan chức năng xử lý những trường hợp vi phạm trật tự giao thông trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Các hoạt động hành chính của tỉnh Sóc Trăng đã và đang được số hóa. |
Sóc Trăng là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào và đa dạng, đặc biệt là gạo, thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến. Giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 1.280 triệu USD, trong đó thủy sản 1.030 triệu USD, gạo 213 triệu USD.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, tỉnh đang chuyển đổi tư duy từ “Phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “Phát triển kinh tế nông nghiệp”, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất; chuyển từ mục tiêu hỗ trợ kinh tế hộ sang mục tiêu hỗ trợ kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại…
Theo đó, tỉnh đã triển khai Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng với hơn 80 doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống, trong đó có 18 doanh nghiệp đưa thông tin sản phẩm lên sàn với hơn 70 sản phẩm.
Qua hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn khác như: Voso.vn, Postmart, Sendo…
Có khoảng 60 doanh nghiệp ứng dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp, bán hàng; 1.700 doanh nghiệp ứng dụng hóa đơn điện tử; hầu hết các doanh nghiệp đều khai báo thuế điện tử; có hơn 5.000 chữ ký số được đăng ký sử dụng; triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh, các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng...
“Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; sự đồng hành của doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực thi công vụ trong cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước. Vì vậy, Sóc Trăng quyết tâm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nhằm tạo động lực phát triển bền vững”, đồng chí Trần Văn Lâu khẳng định.