Những công trình số hóa

Hưởng ứng từ chiến dịch Mùa hè xanh về tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số và sở hữu trí tuệ, tuổi trẻ các đơn vị đoàn TP Đà Nẵng đã thực hiện số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, thư viện sách nhằm tạo sự thuận lợi hơn cho người dân khi tiếp cận và sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình thư viện số được gắn ở các nhà văn hóa.
Mô hình thư viện số được gắn ở các nhà văn hóa.

1/ Sáng sớm, các bạn đoàn viên phường An Khê (quận Thanh Khê) chở theo những bảng hiệu mã QR thư viện số của đoàn phường để dán tại quán cà-phê trên địa bàn phường. Bảng dán cũng chính tay các bạn thiết kế với mầu xanh bắt mắt và mã QR to, thuận tiện cho mọi người sử dụng.

Tại đây, mọi người mở camera trên điện thoại thông minh để quét mã là có thể vào được trang web thư viện sách do đoàn phường tạo ra và đọc sách miễn phí. Thư viện được thiết kế với nhiều lĩnh vực sách phong phú các thể loại với khoảng 300 đầu sách từ lịch sử, chính trị đến sách văn hóa, kỹ năng, truyện cổ tích, tiểu thuyết, hạt giống tâm hồn...

Nằm trên mặt tiền đường Hà Huy Tập (tổ 61), quán cà-phê của anh Lê Thế Vinh chào đón các bạn trẻ ghé đến để dán “thư viện” lên tường, ngay cửa ra vào. “Thấy các bạn đề xuất được dán bảng này mình đồng ý ngay, đây là một mô hình hay, bổ ích, ai đến uống nước cũng có thể tranh thủ đọc, hoặc cũng có thể tìm tài liệu, thông tin cần khi học nhóm tại quán”, anh Vinh chia sẻ.

Là ý tưởng từ các bạn trẻ Đoàn phường An Khê với mong muốn nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách, xây dựng và phát triển thói quen, văn hóa đọc sách trong hội viên, thanh niên. Mô hình “Thư viện số” do chính tay các bạn lên ý tưởng, xây dựng, thiết kế theo hình thức 3D bao gồm sách chia theo từng lĩnh vực với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với mọi lứa tuổi từ các nhà xuất bản trong nước.

Vừa thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Lê Trúc Quỳnh (2004) đang háo hức với số điểm đạt được để có thể bước chân vào giảng đường đại học với ước mơ là cô giáo dạy văn. Vừa tham gia cùng đoàn phường, Quỳnh cũng là một trong những người thường xuyên truy cập vào “Thư viện số” để đọc sách. “Thích đọc những tác phẩm văn học nên có thêm một địa chỉ đọc sách mới là mình tham gia. Cách này đỡ một phần chi phí mua sách và dễ tìm theo ý muốn”, Quỳnh cho biết.

Được thực hiện từ tháng 7, đến nay, mô hình “Thư viện số” đã được triển khai tại 100% nhà văn hóa các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn phường và sáu quán cà-phê. Thư viện cũng đã tiếp nhận hơn 1.000 lượt truy cập đọc sách từ các bạn trẻ. “Sắp tới, chúng tôi sẽ khảo sát ý kiến của người đọc để chỉnh sửa thư viện phù hợp hơn, đưa thêm những đầu sách theo đúng nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ liên kết với các trang web đọc sách khác để phong phú hơn các lĩnh vực sách và việc truy cập, đọc cũng dễ dàng, thuận tiện hơn”, anh Phan Trần Hải Giang, Bí thư Đoàn phường An Khê cho hay.

2/ Nhằm huy động sự tham gia của các học sinh, thanh, thiếu nhi cùng chung tay thực hiện công trình số hóa địa chỉ đỏ, Quận đoàn Liên Chiểu đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu tổ chức Cuộc thi gắn mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Tham gia cuộc thi, các em học sinh, thiếu nhi tại 21 trường học đã cùng tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa bằng các hình thức gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử, tìm hiểu thông tin, văn bản lịch sử chính thống tại Đảng bộ các phường, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao quận, tham quan trực tiếp tại các địa chỉ đỏ... Song song với đó, bản thân các em cũng tham gia thuyết minh, tổ chức quay và dựng thành các video clip giới thiệu các địa chỉ đỏ mình đã đi.

Đến nay, 11/15 địa chỉ đỏ đã được các bạn tìm đến, thực hiện các thước quay và được chọn lựa gắn mã QR. Khi đến các di tích lịch sử như Khu di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước, đình Đà Sơn, đình làng Xuân Thiều, đình làng Hòa Mỹ, miếu Tam Vị... sẽ có thêm mã QR để người dân quét. Mỗi mã QR đều chứa đựng các thông tin tích hợp gồm video, hình ảnh, âm thanh.

“Việc tham gia tuyên truyền, giới thiệu lịch sử văn hóa địa phương cũng là cách giúp các em yêu và tự hào hơn nơi mình đang sinh sống. Chúng tôi sẽ hoàn thành việc số hóa tất cả các địa chỉ đỏ trong thời gian tới”, anh Huỳnh Thanh Bình, Bí thư Quận đoàn Liên Chiểu cho biết.