Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bảo vệ quan điểm cổ phần hoá Bệnh viện Bình Dân

Bệnh viện Bình Dân.
Bệnh viện Bình Dân.

Theo ông Dũng, Bình Dân là bệnh viên chuyên khoa của thành phố, có nguồn nhân lực mạnh, nhất là trên lĩnh vực niệu khoa. Tuy nhiên, cơ sở vật chất lại rất kém, thiếu các phương tiện máy móc hiện đại phục vụ khám và chữa trị cho bệnh nhân. Trước đây, Bình Dân từng xin thực hiện mô hình bệnh viện bán công tại Bình Dân nhưng nhà đầu tư đã từ chối. Nếu tiếp tục tổ chức hoạt động theo mô hình cơ chế hiện nay, Bình Dân sẽ bị tụt hậu so với bệnh viện tư nhân.

Ông Dũng khẳng định, cách làm của ngành y tế thành phố là không bán bệnh viện mà huy động góp vốn đầu tư, nhà nước vẫn giữ vốn chi phối. Bước đầu giá trị tài sản của Bình Dân được xác định là 90 tỷ đồng (không tính giá trị sử dụng đất). Cổ phiếu sẽ được bán đấu giá. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Bình Dân được nâng lên 150 tỷ đồng, trong đó nhà nước giữ 60%, cán bộ công nhân viên 12,22%,  cổ đông chiến lược 7,78% và cổ đông bên ngoài 20%.

Một điều kiện tiên quyết trong đề án cổ phần hóa Bình Dân là Quỹ chính sách xã hội cho người nghèo được lập từ cổ tức nhà nước bảo đảm cho người nghèo vẫn được hưởng sự chăm sóc y tế tại bệnh viện Bình Dân.

Cổ phần hóa là một trong những phương thức xã hội hóa thu hút thêm vốn đầu tư cho ngành y tế. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động, mô hình quản lý theo quy luật kinh tế là một yêu cầu, nếu không ngành y tế thành phố khó phát triển. Cùng việc chuyển đổi mô hình hoạt động, các chính sách an sinh xã hội phải nhanh chóng hoàn thiện, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân.

Tuy nhiên, việc chọn bệnh viện Bình Dân để cổ phần hóa là vấn đề được xã hội rất quan tâm vì thương hiệu của bệnh viện này đã nhiều năm gắn bó với đa số người lao động bình dân.

Được biết, UBND thành phố đang cân nhắc và lấy ý kiến về việc thực hiện cổ phần hóa Bình Dân. Đây là vấn đề mới, có nhiều ý kiến khác nhau nên cần có sự đánh giá nghiêm túc, khách quan để có một quyết định đúng đắn, có lợi cho mọi người.