Số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể

Sáu tháng đầu năm 2024, các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội được kiểm soát chặt chẽ, giúp giảm số lượng công trình vi phạm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình cao tầng, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Đan Phượng.
Cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Đan Phượng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố sáu tháng đầu năm 2024 tiếp tục đi vào nền nếp. Mặc dù số lượng công trình xây dựng được cấp phép khá lớn, nhưng các công trình được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình xây dựng. Nhiều vi phạm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tất cả các công trình vi phạm trật tự xây dựng được thiết lập hồ sơ theo quy định. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết dứt điểm.

Trong sáu tháng đầu năm nay, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng, đô thị đã tiến hành kiểm tra 8.854 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 125 trường hợp có vi phạm, chiếm 1,41% số công trình được kiểm tra. Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 55/125 trường hợp vi phạm, đạt tỷ lệ 44%; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 70/125 trường hợp, đạt tỷ lệ 56%.

So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã giảm 119 công trình. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6 tỷ 600 triệu đồng. Bảy quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. Tám địa phương có tỷ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh.

Theo đại diện Thanh tra xây dựng Hà Nội, do lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng cho nên nhiều vi phạm được phát hiện, xử lý ngay từ khi mới phát sinh. Đáng chú ý, những vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện được thiết lập hồ sơ chặt chẽ, điển hình như chung cư mini tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất xây dựng sai phép với quy mô gần 200 căn hộ đã được xử lý nghiêm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn bộc lộ hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục, nhất là các vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Việc quản lý trật tự xây dựng ngày càng phức tạp nếu các chủ đầu tư cố tình tìm đủ mọi cách vi phạm và các vi phạm trật tự xây dựng nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, để lại hậu quả lớn. Vì thế, thanh tra xây dựng cần phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, trong đó có điểm đáng chú ý là chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Biện pháp cắt điện, cắt nước cũng được chính quyền áp dụng với công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; công trình phải phá dỡ khi đã có quyết định di dời khẩn cấp…

Hy vọng, cùng với quy định mới bổ sung các biện pháp xử lý kiên quyết hơn đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố thời gian tới ngày càng đi vào nền nếp.