Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2025 (cụ thể từ 15/12/2024 đến 5/3/2025), tỉnh đã phát hiện 195 vụ phá rừng trái pháp luật; diện tích rừng bị thiệt hại 63,77%. Trong đó có 173 vụ phải xử lý hành chính; 22 vụ phải xử lý hình sự. Địa bàn gia tăng số vụ phá rừng trái pháp luật gồm các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông và huyện Điện Biên.
Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng tại tỉnh Điện Biên tăng so cùng kỳ năm trước, ông Nguyễn Mạnh Toàn cho rằng, phần do phong tục tập quán sử dụng gỗ làm nhà và chất đốt của đồng bào dân tộc thiểu số; phần do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, các hoạt động sản xuất, canh tác của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy và tập quán canh tác nương luân canh. Bên cạnh đó, có một bộ phận người dân cố tình không chấp hành quy hoạch 3 loại rừng, thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng.

Gia tăng số vụ phá rừng trên địa bàn huyện Điện Biên Đông
Tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, tình trạng phá rừng gia tăng là do một bộ phận người dân lợi dụng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã cố tình phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Hầu hết các diện tích rừng bị phá tại các huyện này đều gần đường giao thông, địa hình tương đối bằng phẳng và gần các dự án, vùng trồng cây cà phê, mắc-ca.
Riêng tại huyện Điện Biên, hiện còn một số vụ phá rừng trái pháp luật từ năm trước không được chỉ đạo xử lý hoặc phát hiện, nhưng không quyết liệt, không xác định được đối tượng vi phạm đã dẫn tới hệ lụy là tình trạng phá rừng tiếp tục gia tăng, nguy cơ phá rừng ngày càng phức tạp.
Tại huyện Điện Biên, chính quyền một số xã còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý các vụ việc vi phạm làm cho người dân có biểu hiện "nhờn" luật nên tiếp tục phá rừng.