Lũy kế tổng thu 4 tháng đầu năm ước đạt 640.298 tỷ đồng, bằng 43% so với dự toán, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng lưu ý số thu nội địa ước đạt 144.600 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng qua, có 13/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (hơn 40%), có 25/63 địa phương tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (hơn 40%); tuy nhiên, vẫn còn 9/63 địa phương có số thu thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử
Tính đến cuối tháng 4/2024, cơ quan thuế đã ban hành 5.580 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tổng số tiền thuế hoàn 39.440 tỷ đồng; bằng 23,1% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Cơ quan thuế đã thực hiện được 10.501 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 15,8% kế hoạch năm 2024 và bằng 86% so với cùng kỳ; kiểm tra được 98.330 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách đạt 1.704 tỷ đồng, bằng 56,8% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Tổng số tiền thu nợ thuế trong tháng 4 ước đạt 5.200 tỷ đồng, lũy kế tính đến cuối tháng 4 ước thu được 32.068 tỷ đồng.
Đây là kết quả đáng khích lệ của ngành thuế, qua việc xác định ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ sống còn.
Về triển khai hóa đơn điện tử, tính từ khi triển khai đến hết tháng 4 vừa qua, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,5 tỷ hóa đơn, trong đó hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,4 tỷ hóa đơn không mã.
Về triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, có gần 53.500 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng, đạt số lượng hơn 328,6 triệu hóa đơn. Việc triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đến nay, cả nước có gần 16 nghìn cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt 100% tổng số cửa hàng.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục thuế địa phương tiếp tục lên kế hoạch cụ thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, cùng với tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và hợp tác đồng hành của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp về thiết bị cột bơm, về hóa đơn điện tử để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nghiên cứu, nâng cấp giải pháp kết nối tự động, thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế theo quy định phù hợp với mô hình kinh doanh, thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiến hành phân tích, đánh giá doanh thu, chi phí, nguồn hàng,... kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn nói riêng và quản lý thuế nói chung, nhất là các doanh nghiệp chưa kết nối tự động phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế, trên cơ sở đó rà soát, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này ngay trong quý II.
Thí điểm nhiều phương thức quản lý thuế
Gần đây, Tổng cục Thuế đã mạnh dạn đề xuất và thực hiện thí điểm nhiều phương thức quản lý thuế mới, nhất là quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Ngành thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng khá: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023, doanh thu quản lý lên 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp 97 nghìn tỷ đồng.
Việc triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile cũng đạt kết quả khả quan. Từ khi triển khai ứng dụng đến nay, đã có 963.217 lượt tải về và cài đặt, sử dụng ứng dụng, số giao dịch qua ngân hàng thương mại đạt gần 1,5 triệu giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công hơn 3.500 tỷ đồng.
Về vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, hiện đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế, tăng 9 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã thu được khoảng 3.900 tỷ đồng từ cổng thông tin này.
Trong tháng 5, ngành thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá chính xác, toàn diện tình hình kinh tế trong nước và thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ chính sách tài khóa, tiền tệ mà các nước thực hiện đến sức khỏe doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện sớm rủi ro, kịp thời tham mưu kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước năm 2024.
“Ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế, thực hiện tốt các gói hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế sẽ chủ động rà soát, đánh giá, tham mưu xây dựng các gói hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước,... để hỗ trợ doanh nghiệp”, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định.
Riêng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, cơ quan thuế sẽ thực hiện các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, kinh doanh dịch vụ,...