Sơ tán gần 375 nghìn người tránh bão số 9

NDO -

Sáng 28-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có buổi họp báo cáo nhanh về công tác trực ban ứng phó bão số 9. Đến 22 giờ ngày 27-10 đã hoàn thành công tác sơ tán, tổng số 98.819 hộ/374.631 người.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì buổi họp.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì buổi họp.

Đến ngày 1-11, trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. 

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên mức BĐ3; hạ lưu sông Cả (Nghệ An), các sông chính ở Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, các sông nhỏ lên mức BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh miền núi. 

Tại buổi họp, Ban Chỉ đạo đã có những tổng hợp thông tin về diễn biến bão số 9, cùng với đó là các công tác ứng phó trước mắt nhằm giảm thiệt hại tối thiểu. 

Trước mắt, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên riêng tỉnh Bình Định vẫn còn 46 tàu với 368 người đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong khi đó, có hai tàu cá bị chìm vào chiều 27-10 (với 26 ngư dân). Hiện nay, những ngư dân này vẫn đang mất tích. Các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Đến 22 giờ ngày 27-10, đã hoàn thành công tác sơ tán, tổng số 98.819 hộ/374.631 người. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-10.

Ban Chỉ đạo tiền phương đã họp với BCH PCTT và TKCN các tỉnh đề nghị triển khai các công việc sau.

Đối với trên biển: Tìm kiếm cứu nạn hai tàu bị chìm của Bình Định; đưa 46 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố; tổ chức quản lý thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành. 

Đối với đất liền: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền để xử lý các tình huống; rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét; tập trung công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường ngay sau khi bão tan. 

Lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh,...) để chính quyền cơ sở và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó, nhất là đảm bảo an toàn về người khu vực neo đậu tàu thuyền và lồng bè. Tăng cường công tác truyền thông qua hệ thống tin nhắn để người dân chủ động ứng phó. 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế,... 

Chỉ đạo vận hành hệ thống hồ chứa hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du. 

Tăng cường lực lượng trực ban tại tất cả các cấp để tăng cường chia sẻ thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Cục Hàng không - Bộ GTVT  dừng khai thác sáu sân bay gồm: Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa từ 18 giờ ngày 27-10, dự kiến khai thác trở lại vào 16 giờ ngày 28-10; Sân 
bay Pleiku dừng khai thác từ 21 giờ ngày 27-10 đến 19 giờ ngày 28-10. 

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT từ đêm 27-10 và ngày 28-10 dừng toàn bộ tàu khách Thống Nhất (trong ngày 28-10 chỉ khai thác một đội HN-Vinh và một đôi SG-Nha Trang). 

Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; các địa phương cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27-10; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28-10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.