Số người hiến tặng giác mạc ngày càng tăng

NDO -

Nếu như, năm 2007 mới chỉ có chín người hiến tặng giác mạc thì đến năm 2019, số người qua đời được gia đình đồng ý hiến giác mạc đã tăng lên 167 người. 

Câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An đã truyền cảm hứng hiến tặng mô tạng sau khi qua đời cho nhiều người.
Câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An đã truyền cảm hứng hiến tặng mô tạng sau khi qua đời cho nhiều người.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương, đây là một con số hiến tặng giác mạc đáng mừng của Việt Nam vì việc vận động hiến tặng giác mạc sau khi qua đời gặp rất nhiều khó khăn. 

Kể từ khi Luật Hiến tặng mô tạng có hiệu lực vào năm 2007 và Việt Nam chính thức vận động hiến tặng giác mạc và có ca hiến đầu tiên từ năm 2007 đến nay, số ca đồng ý hiến tặng giác mạc tăng rất chậm. 

Sau hơn 10 năm, đến năm 2018, số ca hiến mới tiệm cận đến hơn 100 ca. Năm 2019 với câu chuyện truyền cảm hứng từ cô bé Hải An, bảy tuổi được mẹ đồng ý hiến giác mạc sau khi bé qua đời, số người đồng ý hiến giác mạc đã tăng cao hơn với 167 người/năm. 

Từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng số ca hiến cũng đã đạt tới 130 ca. 

“Hiện nay, mỗi năm Trung tâm Ngân hàng Mắt có thể cung cấp khoảng 250-300 giác mạc để ghép, mang lại ánh sáng cho nhiều người mắc các bệnh lý về giác mạc”, ông Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, bệnh lý về giác mạc khá phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu do các bệnh lý như viêm loét giác mạc, loạn dưỡng di truyền, tai nạn chấn thương trong sinh hoạt tạo sẹo. Những người này nếu được ghép giác mạc sẽ phục hồi thị lực, trở lại sinh hoạt bình thường. 

Tại Ngân hàng mắt Trung ương, hiện có khoảng 700-900 người đăng ký chờ ghép. Trong khi đó, nguồn giác mạc hiến vẫn còn hạn chế. 

Thời gian qua, mặc dù nhiều tỉnh, thành huy động được lực lượng cộng tác viên vận động hiến tặng giác mạc lớn, nhưng toàn bộ phần miền trung và miền nam, việc hiến tặng giác mạc còn đang bị bỏ ngỏ.

Cả nước hiện có ba ngân hàng mắt, trong đó có hai ngân hàng tại phía nam chỉ ghép trung bình khoảng 40-50 ca. Các ca ghép giác mạc và vận động hiến tặng giác mạc chủ yếu ở phía bắc. 

Khu vực miền trung gần như không có ngân hàng mắt chính thống. Gần đây, Trung tâm ghép mô tạng của Huế cũng đã thực hiện lấy 1-2 ca giác mạc nhưng cũng chưa có giấy phép chính thức thành lập ngân hàng mắt. 

“Nhiều người tận Đăk Nông, Tây Nguyên gọi cho chúng tôi mà đành chịu vì không có người tại địa bàn để kịp lấy giác mạc”, ông Hoàng nói. 

Đến nay, Ninh Bình là địa phương đi đầu trong cả nước về số người hiến giác mạc với 394 người hiến qua đời, mang lại ánh sáng cho hàng trăm người khác. 

Ngày Thị giác Thế giới được tổ chức hàng năm vào thứ năm tuần thứ 2 của tháng 10, nhằm tập trung sự chú ý của toàn cầu vào vấn đề mù lòa và suy giảm thị lực.

Năm nay, Ngày Thị giác Thế giới  diễn ra vào ngày 8-10 với chủ đề: Hy vọng trong tầm nhìn (Hope In Sight ).

Mù và suy giảm thị lực ảnh hưởng đến ít nhất 2,2 tỷ người trên thế giới. Trong số đó, một tỷ người bị suy giảm thị lực có thể ngăn ngừa được. Thị lực giảm hoặc không có, có thể gây ra những ảnh hưởng lớn và lâu dài đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các hoạt động cá nhân hàng ngày, tương tác với cộng đồng, trường học và cơ hội làm việc và khả năng tiếp cận các dịch vụ công.
           
Ngày Thị giác Thế giới năm nay, ngày 8-10-2020 là ngày truyền thông quan trọng nhất về lịch khám sức khoẻ cho đôi mắt. Chúng ta hãy cam kết đi kiểm tra mắt, đồng thời khuyến khích những người khác bao gồm: gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bạn cũng làm như vậy! Dân số thế giới đang già đi trong tương lai, cận thị và bệnh võng mạc tiểu đường có thể làm gia tăng tình trạng suy giảm thị lực trong những thập kỷ tới.