Tham dự hội nghị, có đại diện các Ủy ban nhân dân và cơ quan đầu mối về công tác phi chính phủ nước ngoài của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng đại diện một số ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương và các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Hội nghị sơ kết được tổ chức nhằm đánh giá giữa kỳ tình hình triển khai và hiệu quả trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn 2019-2022, thực hiện Chương trình quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/9/2019, từ đó đề xuất các phương hướng và giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả cho giai đoạn triển khai 2022-2025.
Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025, cùng với các chính sách tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội, là văn bản định hướng quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện các chương trình nhân đạo, từ thiện và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam.
Theo Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có 436 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam trong năm 2022, song đã giảm so với các năm trước đó do nguồn kinh phí, tài trợ của một số tổ chức bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới biến động phức tạp.
Giá trị viện trợ giải ngân ước đạt 650 triệu USD tập trung ở một số lĩnh vực, như: y tế, giáo dục-đào tạo, tài nguyên-môi trường, hỗ trợ tư pháp, phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội. Trong đó, ba khu vực gồm: đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và miền núi phía bắc đặc biệt nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trong báo cáo sơ kết, Ban điều phối viện trợ nhân dân đánh giá, giai đoạn 2019-2022, quan hệ giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với các cơ quan, đối tác Việt Nam tiếp tục được củng cố, hiệu quả của các chương trình, dự án tiếp tục được nâng cao; vai trò của cơ quan đầu mối triển khai chương trình là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thể hiện rõ nét.
Báo cáo được tổng hợp từ các tổ chức, cũng như khảo sát các địa phương và từ góc độ theo dõi công tác phi chính phủ nước ngoài trong ba năm thực hiện Chương trình quốc gia chỉ ra, các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tuy nhiên do còn nhiều khó khăn, nên kết quả đạt được không đồng đều. Song, kết quả tự đánh giá của các địa phương phần lớn là triển khai các giải pháp đạt kết quả tốt, tương đồng với các khảo sát, đánh giá từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề xuất đẩy mạnh chia sẻ thông tin giữa trung ương với các bộ, ngành, địa phương và xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về hợp tác giữa các tổ chức, cũng như các chương trình, dự án. Đồng thời, tăng cường nội hàm đối ngoại trong các hoạt động viện trợ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài…
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả tình hình viện trợ phi chính phủ nước ngoài, chia sẻ những hạn chế và kinh nghiệm, bài học, cũng như đề xuất các cơ chế hợp tác, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ nhằm thiết lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, bền vững giữa các bộ, ngành, địa phương với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác.
Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tham luận, đóng góp của các đại biểu từ các đầu cầu trên cả nước. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ vì mục đích nhân đạo, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước, hướng tới hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong Chương trình quốc gia.