THAM GIA TPP - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Sở hữu trí tuệ khi tham gia TPP

Hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam hiện nay còn khá yếu kém, chưa xây dựng được các chế tài, đội ngũ giám định và cách xử lý, giải quyết tranh chấp... Khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng và có một hệ thống thực thi quyền SHTT đầy đủ sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi.

Kiểm tra việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ tại một cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh.
Kiểm tra việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ tại một cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh.

Việt Nam đã xác lập được quyền SHTT rất tốt, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhưng hệ thống thực thi quyền SHTT còn yếu kém, do năng lực, kinh nghiệm của bộ máy chưa được xây dựng phù hợp với thực tế. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp... mà không có tòa án chuyên ngành để thụ lý và giải quyết. Các tòa án dân sự lại không có các thẩm phán về SHTT, cho nên ở Việt Nam vẫn chưa xử được các vụ tranh chấp, hầu hết là do các cơ quan quản lý thụ lý và giải quyết, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận kết luận hành chính. Ngay cả khi doanh nghiệp không chấp nhận các phán quyết, muốn khởi kiện ra tòa án dân sự, kinh tế... thì cũng chưa thể giải quyết được. Mặt khác, đội ngũ giám định viên hiện nay còn rất ít, các tổ chức giám định gần như chưa có để giám định các vi phạm về SHTT giúp tòa án dựa vào đó làm căn cứ khi đưa ra các quyết định. Một thực tế là hiện nay, dù Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã đề nghị nhiều tổ chức, cá nhân đủ năng lực có thể đứng ra đảm nhận công việc giám định, nhưng đến nay mới chỉ có Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đảm nhận được công việc này. Đây là vấn đề đáng lo ngại khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài tràn vào Việt Nam sẽ làm “bùng nổ” các tranh chấp. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục không xây dựng được một hệ thống thực thi quyền SHTT đầy đủ và lại bị chịu những chế tài của TPP thì không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi mà có thể gây ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng KH và CN cho biết, hiện nay tất cả các vi phạm SHTT tại Việt Nam vẫn đang xử lý bằng cách xử phạt hành chính, nhưng khi tham gia TPP thì phải xử lý hình sự. Tùy theo mức độ của các hành vi xâm phạm sẽ có biện pháp hành chính, cảnh cáo... hoặc phạt tù, nên sắp tới Việt Nam phải xem xét và sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ các tội danh và khung hình phạt liên quan đến SHTT... Nhất là trong tình hình thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng phần mềm không bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... tạo nên sự cạnh tranh không hợp pháp. Khi tham gia TPP, các doanh nghiệp tiếp tục có các hành vi xâm phạm về SHTT sẽ đứng trên bờ vực phá sản. Bộ KH và CN đã có kế hoạch tuyên truyền những quy định của TPP, để doanh nghiệp có thời gian và kiến thức sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Mặt khác, các doanh nghiệp được hỗ trợ để đăng ký SHTT đang có như kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, bằng sáng chế... để xác lập quyền được bảo hộ khi xảy ra tình huống tranh chấp. Bên cạnh đó cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ giám định viên và thẩm phán tòa án dân sự đủ kiến thức, kinh nghiệm giải quyết các vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp về SHTT. Tuy nhiên, trong thời gian chuyển tiếp, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán để có sự thống nhất chung khi chúng ta chưa đủ năng lực đáp ứng thì các nước khác phải chấp nhận ở mức độ nhất định. Nhất là cần giải quyết các vướng mắc về thời gian chuyển đổi, bảo hộ cơ sở dữ liệu thí nghiệm, thời gian làm chậm...

Bên cạnh những khó khăn, khi tham gia TPP, Việt Nam có những lợi ích rõ rệt về SHTT, hàng hóa được xuất khẩu miễn thuế, doanh nghiệp sẽ được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý. Như trước kia, bất kỳ một doanh nghiệp nào ở nước ngoài cũng có thể đăng ký tên nước mắm Phú Quốc, cà-phê Buôn Mê Thuột... Nhưng nay thì các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam được bảo hộ ở TPP, doanh nghiệp Việt Nam có thể yên tâm trong sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, theo Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam nếu có tài sản trí tuệ cần phải đăng ký để được bảo hộ. Cần tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ, các quỹ để đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn nhân lực và thị trường tốt, đánh giá các sản phẩm, đối thủ, trình độ và có chiến lược cạnh tranh ngay từ bây giờ. Ngoài ra, những người làm KH và CN Việt Nam cũng phải điều chỉnh các lĩnh vực nghiên cứu, tập trung vào những sản phẩm, lợi thế có thể cạnh tranh. Trong ngành KH và CN cũng phải điều chỉnh lại các chương trình trọng điểm của Nhà nước, cấp quốc gia, nghiên cứu các vấn đề mang lại lợi thế cho Việt Nam. Có như vậy thì doanh nghiệp, người dân mới có niềm tin vào việc sử dụng công nghệ nội địa cho hoạt động sản xuất, sẵn sàng cạnh tranh “sòng phẳng” với các mặt hàng, đối thủ từ nước ngoài.