Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long:

Số ca nhiễm HIV trong nhóm từ 15 đến 16 tuổi tăng gấp ba lần so với trước đây

NDO -

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay số người nhiễm HIV trong nhóm từ 15 đến 16 tuổi đã tăng gấp ba lần so với trước đây. Bên cạnh đó, tham khảo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và quy định của nhiều nước, Bộ Y tế đề nghị giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV/AIDS từ 16 xuống 15 tuổi.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Sáng 23-10, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo thống kê, hiện nay do những thay đổi về vấn đề xã hội, những vấn đề về quan hệ tình dục đối với trẻ vị thành niên đang có chiều hướng tăng lên.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số, hằng năm trung bình có khoảng 250 nghìn đến 300 nghìn ca nạo phá thai, trong đó có tới 60 đến 70% người nạo phá thai là học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi.

“Tình hình hiện nay, theo thống kê của Bộ Y tế, số nhiễm HIV trong nhóm từ 15 đến 16 tuổi đã tăng gấp ba lần so với trước đây. Chính vì vậy, tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và quy định của nhiều nước, chúng tôi xin đề xuất là giảm độ tuổi xét nghiệm (HIV/AIDS) từ 16 xuống 15 tuổi, bởi vì đa phần các cháu trong độ tuổi này cũng không muốn nói với cha mẹ hay người thân khi đi xét nghiệm”, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tuy nhiên, theo Quyền Bộ trưởng Y tế, trong quy định cũng rất rõ là khi xét nghiệm dương tính (HIV) thì cơ quan y tế có trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm cho bố mẹ hoặc cho người giám hộ đối với tất cả các trẻ từ 18 tuổi trở xuống.

Về nghĩa vụ thông báo kết quả nhiễm HIV, Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết trong dự thảo Luật trình Quốc hội có tăng thêm một số nhóm đối tượng buộc phải thông báo kết quả đối với những người có quan hệ tình dục với mình theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Quyền Bộ trưởng Y tế, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy số lượng người nhiễm HIV/AIDS qua quan hệ tình dục đã tăng từ 40% năm 2011 lên tới 70% năm 2019. Do đó, việc bổ sung nghĩa vụ là phù hợp với triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân gia đình cũng đã quy định về những trường hợp cố ý làm lây truyền HIV cho người khác.

Ngoài ra, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cũng điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận truyền thông về HIV/AIDS; Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm quyền lợi của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và tăng hiệu quả cho công tác giám sát, kiểm soát dịch HIV/AIDS; Quy định cụ thể hơn về nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam...

Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng điều chỉnh, bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ Bảo hiểm y tế tiến tới bảo đảm 100% phụ nữ mang thai được xét nghiệm và điều trị HIV.

Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Luật HIV/AIDS ra đời năm 2006. Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á ban hành luật này, được đánh giá là một trong những luật hết sức tiến bộ. Những quy định của luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai tất cả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Cho đến nay, sau 13 năm triển khai, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã có những thành công rất lớn, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao

"Lần sửa đổi luật lần này chỉ tập trung sửa đổi một số vấn đề mang tính chuyên môn kỹ thuật, và một số vấn đề làm tăng sự tiếp cận đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS đối với các nhóm đối tượng. Đồng thời, những điều chỉnh này là phù hợp với sự tiến bộ của khoa học", Quyền Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV