Số ca mắc Covid-19 ở Đắk Lắk gia tăng trở lại

NDO - Hiện nay, cùng với diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, số trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng gia tăng trở lại. Nguyên nhân do người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong công tác tiêm phòng vaccine phòng Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống Covid-19 hiện nay.
Tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống Covid-19 hiện nay.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong 1 tháng qua, số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh chóng trở lại. Tính đến ngày 16/8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 171.834 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đang điều trị 221 trường hợp, tử vong 266 trường hợp, số ca mắc trong vòng 7 ngày qua là 187 trường hợp.

Trong khi đó, kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tính đến ngày 15/8 đối với người từ 18 tuổi trở lên và trẻ từ 12 đến 17 tuổi mũi 1, mũi 2 đã đạt 100%. Tuy nhiên, đối với người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 đạt 83,8%, mũi 4 đạt 57,4%. Trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 3 đạt 60% và trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm mũi 1 đạt 82%, mũi 2 đạt 32,1%...

Mặc dù trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên và nhân dân trên địa bàn; ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine cho các lứa tuổi. Tuy nhiên, hiện nay kết quả tiêm mũi 4 ở một số huyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, một trong số những nguyên nhân khiến kết quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 chưa đạt kế hoạch đề ra là một số lượng lớn người dân đã mắc Covid-19 trong những tháng qua, đặc biệt số mắc cao trong tháng 3 và đầu tháng 4, nên đa số người dân không đủ thời gian để tiêm mũi tiếp theo và một số đối tượng đủ thời gian để tiêm nhưng có tâm lý chủ quan và không muốn tiêm liều vaccine tiếp theo. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân lo sợ phản ứng tại mũi tiêm tiếp theo do mũi tiêm trước từng có phản ứng, kèm theo tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng và nếu mắc bệnh cũng không còn nghiêm trọng nên nhiều người dân chủ quan, không tiêm các mũi vaccine tiếp theo.

Trong khi đó, tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên thời gian gần đây tiếp nhận bệnh nhân nhập viện điều trị Covid-19 tăng nhanh trở lại, trong đó có không ít bệnh nhân vừa mắc cả sốt xuất huyết, vừa mắc Covid-19 khiến công tác điều trị gặp không ít khó khăn.

Lãnh đạo Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, cùng với sốt xuất huyết, bệnh nhân mắc Covid-19 trong 1 tháng trở lại đây đang gia tăng trở lại. Nếu như khoảng 1 tháng trước, số bệnh nhân điều trị Covid-19 hầu như không ghi nhận trường hợp nào nhưng trong những tuần gần đây, đặc biệt trong tuần gần đây nhất, khoa đã tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 20 bệnh nhân mắc Covid-19. Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 nhập viện điều trị đều thuộc nhóm trung bình và nặng. Đặc biệt, trong đó có một số bệnh nhân mắc 1 lúc cả 2 bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 trên nền cơ địa suy giảm miễn dịch, có những bệnh lý nền mãn tính và các trường hợp này diễn tiến sức khỏe rất nặng nề.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, trong khi dịch sốt xuất huyết chưa được khống chế thì bệnh nhân mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại. Do đó, người dân không nên chủ quan mà cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh do ngành Y tế khuyến cáo; đặc biệt, mỗi người dân cần tiêm đủ 4 mũi vaccine theo quy định của Bộ Y tế.

Trước tình trạng các trường hợp mắc Covid-19 gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là khó tránh khỏi, cùng khả năng xâm nhập, xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ là rất cao.

Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn chỉ đạo triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các sở y tế theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và khống chế dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của tiêm vaccine phòng Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành Y tế và các địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19; thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ cao, học sinh trước ngày tựu trường, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.