Số ca khám bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội có xu hướng tăng

NDO - Thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng trong thời gian gần đây, phần lớn người bệnh là ở Hà Nội. Các bác sĩ khuyến cáo, người mắc bệnh cần được điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp chống lây lan sang những người lành.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khám sàng lọc bệnh đau mắt đỏ.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khám sàng lọc bệnh đau mắt đỏ.

TS,BS Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Riêng tuần vừa qua là 800 ca.

Đáng chú ý, nếu như các năm trước, khi mới bước vào vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám, thì năm nay đã có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp, khiến các gia đình rất lo lắng.

Bác sĩ Hoàng Cương cũng lưu ý, mặc dù chưa có những số liệu thống kê liên quan về biến chứng, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó mọi người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Người dân cần chú ý bệnh đau mắt đỏ trên bệnh nhi. Do miễn dịch của trẻ chưa phát triển, phản ứng phù nề mắt rất dữ dội; bệnh nhi có thể bị chảy máu mắt do giả mạc, khi đó phải bóc giả mạc, có thể gây chảy máu và những trường hợp có giả mạc thường lâu khỏi, khiến cha mẹ rất sốt ruột.

Giả mạc rất dễ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm. Nếu đến muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, bệnh nhi phức tạp hơn, công phu hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên (khỏi sau 7 đến 10 ngày). Nhưng nếu lâu hơn là “không tự nhiên”, có nguy cơ biến chứng, khó điều trị hơn. Khi đó, người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt để được dùng thuốc phù hợp, chống viêm, tăng cường miễn dịch chống bội nhiễm.

Với những trường hợp đau mắt đỏ, khả năng lây mạnh nhất là khi có các triệu chứng toàn phát, thời điểm mắc ngày thứ 5 đến thứ 7. Nhưng 3 ngày trong giai đoạn ủ bệnh và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian mất hai khoảng tuần. Trẻ em nên được nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn.

PGS,TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lây qua đường tiếp xúc tay-mắt (tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm mầm bệnh rồi tay đó lại chạm vào các vật dụng khác, làm lây truyền mầm bệnh). Cho nên, khi bị đau mắt đỏ thì vệ sinh tay là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần cách ly tương đối những người bị bệnh và những người chưa bị. Với những người đã bị đau mắt đỏ cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định đúng thuốc.

Có ý kiến cho rằng với những trường hợp đau mắt đỏ có giả mạc thì không nên bóc, nhưng theo PGS,TS Phạm Ngọc Đông, việc bóc giả mạc là cần thiết, vì giúp cho tổn thương mau hồi phục. Bản thân giả mạc cũng gây cọ sát, gây xước giác mạc tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ đỏ mắt, cần được đưa đi khám, nhất là tại những vùng dịch để không bị nhầm lẫn, vì có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt, không chỉ có viêm kết mạc cấp.

Dấu hiệu nặng đối với đau mắt đỏ là: mắt sưng, chảy nước mắt có dịch hồng… Sau dùng thuốc 2, 3 ngày không đỡ, vẫn đỏ sưng thì cần được bác sĩ thăm, khám lại.

Nhân viên y tế Bệnh viện mắt Trung ương hướng dẫn cách tra thuốc và vệ sinh mắt tại nhà.

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày; người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy. Lúc đầu bệnh xuất hiện ở một mắt sau lan ra hai mắt. Nếu viêm chỉ khu trú ở kết mạc thì sẽ không ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân chỉ thấy khó nhìn do mắt sưng nề, xuất tiết, nhưng nếu viêm vào giác mạc thì bệnh nhân sẽ nhìn mờ đi, chói sợ ánh sáng.

Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh cũng có triệu chứng tương tự, như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào… Người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.