Đây là những chia sẻ mới nhất của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn từ tâm dịch Đà Nẵng vào chiều muộn ngày 5-8.
Người dân cần cẩn thận và thực hiện nghiêm khuyến cáo trong 10 ngày tới
Đối với giai đoạn 2 của đợt dịch Covid-19, sự khởi phát từ bệnh viện và rất nhiều bệnh nhân, người nhà nhiễm bệnh và cả những nhân viên y tế tiếp xúc cũng bị nhiễm, rất nhiều bệnh nhân nặng do bệnh nhiều lý nền.
Bên cạnh đó, việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Do vậy bên cạnh sử dụng nhân lực tại Đà Nẵng thì cũng rất cần sự chi viện từ Trung ương, các bệnh viện để tham gia hỗ trợ điều trị và xây dựng những cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Ngay từ khi bắt đầu dịch Bộ Y tế đã cử sáu đội chuyên trách của Bộ Y tế thuộc các bệnh viện, vụ, cục, viện của Bộ Y tế đến Đà Nẵng. Đến ngày 30-7, Bộ Y tế đã cử Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế với nhiệm vụ toàn quyền huy động nhân lực nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đã triển khai những gì tốt nhất trong việc phòng chống dịch tại Đà Nẵng. Tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan mà phải triển khai tốt hơn và tốt hơn nữa so với giai đoạn hiện nay, như mở rộng năng lực xét nghiệm, tăng cường khả năng của đội truy vết, cố gắng nỗ lực trong công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 nhất là những bệnh nhân nặng.
Thứ trưởng nhận định, trong vòng 10 ngày tới, số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch. Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt.
"Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt", Thứ trưởng nói.
Công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn 1
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, giai đoạn 1 cũng có xảy ra dịch tại Bệnh viên Bạch Mai, tuy nhiên chỉ có một số các công nhân Công ty Trường Sinh và một số điều dưỡng mắc bệnh. Giai đoạn 2 khởi phát tại bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân và người nhà, cũng như các nhân viên y tế chăm sóc tại ba bệnh viện.
Trong đó có rất nhiều bệnh nhân có nền bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao và đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nền bệnh lý nặng và còn có các trường hợp khác có nguy cơ tử vong cao do bệnh lý nền rất nặng.
Bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được, ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không có liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1.
Hiện giờ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19; Ban chỉ đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã có những chỉ đạo rất quyết liệt tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. TP Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; Quảng Nam có 6/12 đơn vị hành chính thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Đà Nẵng đang thực hiện cách ly theo đúng quy định của Chỉ thị 16 là 14 ngày và Bộ Y tế hy vọng UBND TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng trong thành phố sẽ nỗ lực làm giảm số ca mắc mới. Như vậy sau 14 ngày chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh và Thành phố sẽ có những chuyển biến từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 19 của Chính phủ.
Đối với ba bệnh viện phải phong tỏa, Thứ trưởng cho biết, Bệnh viện C sẽ mở cửa trở lại ngày 7-8; hai bệnh viện còn lại thuộc thẩm quyền của Thành phố Đà Nẵng nên sẽ do UBND TP Đà Nẵng quyết định.
"Sau khi làm sạch bệnh viện thì phải bảo đảm nơi đó là an toàn cho người bệnh đến khám chữa bệnh và điều trị. Bệnh viện sẽ phải được đánh giá về bộ tiêu chí an toàn bệnh viện trong dịch Covid-19 do Bộ Y tế ban hành. Sau đó đề nghị cần có quy trình phân luồng bệnh nhân kiểm soát chặt chẽ các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp để không lây lan dịch trong bệnh viện", Thứ trưởng cho hay.
Trả lời báo chí trước việc đã chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng cho đến khi hết dịch, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng, chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của thầy thuốc để bảo đảm giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền trung”.
Thứ trưởng cho biết, đối với các y, bác sĩ mắc Covid-19, Bộ Y tế cũng chỉ định điều trị như các bệnh nhân Covid-19 khác. Tuy nhiên các cơ sở điều trị sẽ bố trí khu cách ly riêng để đảm bảo thời gian điều trị, hồi phục bảo đảm phục hồi sức khỏe cho các bác sĩ để sớm tiếp tục quay lại phục vụ công tác phòng, chống dịch.