Sinh viên đón Tết Việt ở nước ngoài

Du học sinh tại Thái-lan đón Tết.
Du học sinh tại Thái-lan đón Tết.

Chỉ thiếu thốn tình cảm

Tùng, du học tại Mỹ, tâm sự với bố mẹ qua thư điện tử có đoạn: "Bố mẹ ạ, bây giờ con mới hiểu có những niềm vui nho nhỏ mà nhiều khi chúng ta chẳng mấy quan tâm, có những phút giây hạnh phúc, chúng ta hững hờ để trôi qua từ lúc nào không hay cho tới khi đi xa mới thấy những khoảnh khắc ấy thật quý giá biết nhường nào".

Cũng như Tùng, bất cứ một du học sinh nào cũng đều ngậm ngùi khi nhớ lại những lần đón Tết Nguyên đán ở nước ngoài. Thiếu những món ẩm thực quê nhà không sợ bằng sự cô đơn, xa người thân, bè bạn trong giờ phút thiêng liêng: Tết đến.

Việt, một lưu học sinh ở New Zealand cho biết bốn năm học không được đón giao thừa bởi phải đi làm thêm. Cậu cũng như nhiều sinh viên tranh thủ đi làm ngoài giờ đi học để có thêm thu nhập trang trải học phí và sinh hoạt cá nhân. Nếu may mắn, bạn có ông chủ là người châu Á thì họ còn thông cảm cho nghỉ một tối, còn không thì "xin mời" cứ đi làm như ngày thường. Ðêm 30 quê nhà thường se lạnh nhưng ở New Zealand lại nóng đến 30 độ. Ðêm giao thừa năm ngoái, cũng là lúc Việt đứng trước chồng bát đĩa cao ngất mà tủi thân, nước mắt tràn mi nhớ bố mẹ, nhớ hai em ở nhà. Một người bạn Việt hiểu được điều đó né buồn đến an ủi. Rửa hết số bát tới 2 giờ khuya, Việt mới về tới ký túc xá. Nhiều bạn cảm thông vẫn thức chờ Việt về đón giao thừa muộn.

Còn Lan tâm sự với tôi rằng: "Ở Nhật Bản nhịp sống nhộn nhịp, gấp gáp, sôi động của một xã hội công nghiệp đã từ lâu họ không đón Tết theo lịch âm. Ðêm giao thừa lúc này mọi người trong gia đình tôi đang ngồi bên nhau xem ti vi và chờ đón lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Ðối với tôi, bốn năm qua vào giờ khắc ấy là những giờ phút lao đầu vào bài vở, có lẽ bận rộn đối với tôi là giải pháp tình thế hay nhất để tạm quên đi nỗi nhớ Tết, nhớ nhà và nhớ những món ăn do bà và mẹ nấu trong bữa cỗ tất niên. Giao thừa sắp điểm, cầu chúc cho hạnh phúc luôn rạng ngời trên khắp quê hương Việt Nam thân yêu".

Có gì thì "ăn" nấy

 
Thi xem ai gói bánh chưng đẹp nhất.

Vài năm trước những thực phẩm phục vụ Tết như bánh chưng, giò, mứt tết, hoa đào cực hiếm nhưng ngày nay thì đã xuất hiện nhiều nhưng giá cả so với túi tiền của người lao động là quá cao chứ chưa nói tới túi tiền quá hẻo của sinh viên. Thôi thì đành tự chế biến vậy. Ðào thì lấy cành cây khô và mua giấy mầu về làm hoa. Giò không gói lá và lạt như ở nhà mà đổ thịt xay nhuyễn vào ống nhựa, bịt kín hai đầu đem luộc, bánh chưng chỉ được cuộn bằng một cái lá duy nhất nên bé và giống như bánh tét nhưng cũng đủ thịt mỡ, đậu xanh, hạt tiêu. Thực phẩm tự chế biến do túi tiền có hạn. Nhưng những đồ như vậy hiếm và quý lắm, mọi người chia nhau thưởng thức. Chạnh lòng nghĩ tới lúc ở nhà, bánh chưng kêu ngán không ăn, giò bảo bí cổ, thịt chân giò bảo béo quá ăn sợ tăng cân. Nhiều nhất vẫn là bia và rượu.

Quỳnh, lưu học sinh tại Pháp nhớ lại: "Vẫn biết ngày mai phải lên giảng đường nhưng ai cũng tự cho phép quá chén một tí. Những tân sinh viên đương nhiên là không tránh khỏi khóc nhè. Những ma cũ tỏ vẻ người lớn hơn, chỉ ngậm ngùi tí ti và ra sức an ủi mọi người. Tiếp sau đó là làm chân "hoạt náo viên" thật nhộn nhịp cho không khí đỡ buồn".

Theo số liệu từ Ðại sứ quán Việt Nam tại Cuba hiện nay có 250 sinh viên học tập tại Cuba, con số quá khiêm tốn so với các nước khác. Thu Thanh, sinh viên trường đại học Tổng hợp Matanzas nói: "Trong điều kiện một đất nước đang chịu sự cấm vận của Mỹ suốt nhiều năm qua nhưng Chính phủ Cuba luôn cố gắng làm được tốt nhất những gì họ có thể làm cho du học sinh. Nước bạn thực hiện chính sách đào tạo miễn phí và bao cấp ăn ở toàn bộ cho sinh viên. Những bữa cơm tại nhà ăn tập thể còn đạm bạc. Ngày Tết cũng chẳng cải thiện được là bao. Nhưng trong điều kiện khó khăn của nước chủ nhà, thì đó vẫn là một cố gắng lớn. Xa cách và thiếu thốn, nhưng sinh viên, học sinh Việt Nam sống trong lòng nước bạn vẫn vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về."

Những du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, dù sao cũng được an ủi nhiều vì những phong tục ngày Tết của hai nước có nhiều điểm giống nhau. Trần Thùy Mai kể rằng: Trong đêm giao thừa khoảnh khắc  "một  đêm  mà hai tuổi, năm canh chia hai năm" mọi người vui vẻ quây quần bên mâm cơm tất niên. Tết Trung Quốc có nhiều hoa quả bởi mùa xuân có rất nhiều loại hoa thơm quả ngọt. Người lớn thường chuẩn bị phong bao đỏ để mừng tuổi tặng bọn trẻ chúc vận may, điềm lành. Số tiền trong phong bao chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, ý nghĩa của nó nằm trong lớp giấy lụa mầu hồng, tượng trưng cho sự may mắn. Ðôi khi chúng tôi cũng được ông bà chủ nhà cho thuê trọ hoặc những người hàng xóm tốt bụng tặng phong bao lấy hên. Ngày Tết cổ truyền mọi người đều muốn mang lại cho nhau những điều tốt lành nhất.

Ðón Tết kiểu sinh viên thời @

Ðêm 30 Tết, cánh lưu học sinh thường tổ chức buổi gặp mặt, nếu ở gần Ðại sứ quán thì vui vẻ và ấm cúng hơn. Không có điều kiện thì tụ tập trong một phòng ký túc xá.

Một cách đón Tết tưng bừng không mấy tốn kém mà vẫn hưởng được hết không khí tết quê nhà "rất sinh viên" là đón Tết ở siêu thị. Giang, du học sinh tại Canada thư về cho biết: "Trong siêu thị Bến Thành, Ðại Giang, và Tân Hưng những cây mai, đào bằng nhựa sẽ được trưng bày chính giữa kèm theo băng rôn "Chúc mừng năm mới" bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Hoa. Bánh chưng, bánh tét, hạt dưa đỏ, dưa hấu, bao lì xì, cà-phê bày la liệt trong siêu thị kèm theo các chiêu khuyến mại hấp dẫn. Chúng em sẽ tới đó để "ăn" Tết bằng mắt cho đã thèm, thực phẩm nào rẻ, có khuyến mãi thì chung tiền mua về đón giao thừa, đến đó còn được gặp đông đảo người Việt mình đi sắm Tết".

Nguyễn Hoàng Tân, sinh viên trường đại học Tokyo báo tin về nhà: "Không khí đón Tết cổ truyền thật sự hâm nóng khi đại sứ quán Nhật Bản sẽ tổ chức đón năm mới cho tất cả Việt kiều, trong đó có du học sinh . Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA) hoạt động rất sôi nổi, thường thì hội tổ chức "chiêu đãi" bà con Việt kiều một chương trình văn nghệ hết sức sôi nổi đậm đà bản sắc. Giới sinh viên chọn ngày cuối tuần đón Tết. Ở giữa một đất nước có nền khoa học kỹ thuật hiện đại nên chúng tôi cũng có cách đón Tết rất "@". Mọi người thường tụ tập tại các nhà có nối in-tơ-nét băng thông rộng ADSL, mở ti-vi xem kênh VTV4 để đón giao thừa. Mỗi bạn đều nô nức đi mua hương, hoa, kẻ hối hả lấy bánh chưng, giò đặt trước từ một số gia đình Việt kiều. Trong lúc mâm cỗ bày ra, chờ hương tàn, những chiếc máy tính màn hình cỡ lớn được mang ra kết nối với chương trình ti-vi của VTV4. Với đường truyền ADSL 26 Mbps chất lượng hình ảnh chẳng thua kém ti-vi ở quê nhà. Sắp tới giao thừa, webcam được nối với máy tính để chát và chúc tết gia đình. Một số người điện thoại về gia đình".