Sinh viên chật vật tìm phòng trọ sau thời gian dài nghỉ dịch

NDO -

Háo hức quay trở lại trường sau quãng thời gian dài học trực tuyến, sinh viên nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội lại đang phải chật vật tìm chỗ ở ưng ý do nhu cầu thuê nhà trọ tăng cao.

Sau thời gian dài nghỉ dịch, nhu cầu tìm thuê phòng trọ của sinh viên tăng trở lại. (Ảnh: THU HIỀN)
Sau thời gian dài nghỉ dịch, nhu cầu tìm thuê phòng trọ của sinh viên tăng trở lại. (Ảnh: THU HIỀN)

Theo kế hoạch chung, bắt đầu từ 14 đến ngày 28/2, sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội sẽ đến trường học tập trực tiếp. Ngoài một số trường đào tạo ngành y như Đại học Y Hà Nội hay các trường thuộc khối quân đội, công an vẫn học hoặc thực tập bình thường, nhiều trường đại học như Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Sư phạm,... đều đã đón sinh viên trở lại. Cùng với đó, một số trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Mỏ - Địa chất linh hoạt thay đổi lịch học trực tiếp do tình hình ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tăng.

Việc số lượng lớn tân sinh viên xuống thành phố nhập học, cùng với những sinh viên đã theo học tại trường muốn tìm nơi ở mới sau quãng thời gian nghỉ dịch đã khiến “thị trường” nhà trọ dành cho sinh viên lại “sốt”.

Tìm nhà trọ trước… nửa năm

Vũ Nhật Ly (quê Điện Biên) là sinh viên năm nhất khoa Kế toán, Học viện Tài chính. Không giống như nhiều tân sinh viên khác phải xuống trường sớm để ổn định chỗ ở, Ly cho biết sẽ chỉ xuống trước thời gian đi học trực tiếp (28/2) vài ngày do đã tìm được phòng trọ từ hè năm ngoái.

Là sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, nhà lại ở tỉnh xa nên ngoài việc tham khảo các trang Facebook hay Hội sinh viên của trường từ sớm, Ly còn gọi điện nhờ người quen tại Hà Nội tìm trọ giúp. Căn phòng cô và các bạn sẽ ở được tìm qua cách này.

“Do dịch bệnh, em không thể xuống tìm phòng trực tiếp nên cũng lo sẽ bị lừa tiền cọc hoặc chất lượng phòng không giống như trên ảnh. Nhưng may mắn là em tìm được phòng trọ của người quen và chỉ phải đặt cọc trước 1 tháng tiền phòng để “giữ chỗ”.

Trong khi đó, vì ngày 17/2 trường mới có thông báo và ngày 28/2 là đi học chính thức, nhiều bạn học của em dù đã xuống Hà Nội sớm nhưng tới giờ vẫn loay hoay tìm chỗ ở”, Ly cho biết.

Chật vật tìm phòng trọ

Đang là sinh viên năm 3, Trần Thị Thanh Mai (quê Nam Định) cho biết, mình vẫn phải chật vật tìm phòng trong thời điểm hiện tại dù đã có kinh nghiệm.

Mai chia sẻ đã phải dành 3 ngày để tham khảo trong các nhóm tìm nhà trọ: “Thấy phòng nào ưng ý là mình nhắn tin hỏi luôn nhưng tất cả đều đã hết. Có chủ nhà khi mình gọi điện còn thắc mắc là sao bây giờ mới tìm, các nhà đều “cháy phòng” hết rồi khiến mình thực sự lo lắng”.

Tìm phòng online không được, Mai chuyển sang đi dọc các con phố, ngõ ngách tại khu vực muốn thuê trọ, gọi điện thoại theo tờ rơi được dán ở các cột điện, nhà dân. Sau 3 tiếng đồng hồ “cuốc bộ” tìm nhà, cô tìm được căn phòng ưng ý. Nhưng khi gọi điện để quyết định thuê thì được chủ nhà thông báo phòng này vừa có người đặt cọc tiền.

Sinh viên chật vật tìm phòng trọ sau thời gian dài nghỉ dịch -0
 Bảng thông tin quảng cáo với nhiều tờ rơi cho thuê trọ được dán chi chít (Ảnh: THU HIỀN)

Hiện tại, dù đã thuê được phòng trọ, Mai vẫn không hài lòng. Bởi so với các tiêu chí tìm nhà ban đầu cô đề ra, phòng trọ mới này “không đáp ứng được điều gì cả”.

“Kén chọn quá thì sẽ mất phòng, mình đành phải thuê một căn phòng rộng 20 mét vuông với giá 3 triệu đồng/tháng. Phòng khá cũ và đồ đạc thiết yếu như tủ quần áo, kệ bếp đều không có. Mình cũng phải ở chung chủ và 10 rưỡi tối nhà sẽ đóng cửa. Vì đang đi làm thêm và tham gia câu lạc bộ nên có những khi giờ giấc không ổn định sẽ khá bất tiện”, Mai than phiền.

Cô sinh viên năm 3 chia sẻ mình chỉ ký hợp đồng thuê nhà 6 tháng thay vì 1 năm như trước và dự định chuyển đi ngay khi tìm được phòng phù hợp và “cơn sốt” phòng trọ qua đi.

Giá cao, khan hiếm phòng khu vực gần trường

Theo khảo sát, giá phòng trọ cho thuê các khu vực có nhiều trường đại học như quận Cầu Giấy, đường Giải Phóng,… đồng loạt tăng so với giai đoạn trước khi sinh viên trở lại học trực tiếp. Cụ thể, một phòng trọ rộng khoảng hơn 20 mét vuông có giá từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Chung cư mini với đầy đủ tiện nghi có giá từ 4 triệu đồng trở lên (so với khoảng hơn 3,5 triệu đồng trước đó). Giá các loại dịch vụ như tiền điện dao động từ 3,5-4 nghìn đồng/số điện, nước từ 80-120 nghìn đồng/người/tháng,…

Theo chia sẻ của bạn Nguyễn Quang Trung (sinh viên năm 4, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong khi khu vực gần trường như Trần Thái Tông, Trần Quốc Vượng,… luôn trong tình trạng “cháy phòng” những ngày gần đây thì các khu vực xa hơn một chút như Mỹ Đình, Hồ Tùng Mậu,… còn rất nhiều phòng trống với điều kiện tốt hơn và mức giá hợp lý.

Lý giải cho điều này, Trung cho biết: “Đa số sinh viên đều muốn thuê gần trường để tiện việc đi lại, nhất là sinh viên năm nhất. Mình cũng chưa có phương tiện riêng nên vẫn ưu tiên trọ gần trường. Đồng thời đổi hướng sang tìm những phòng trọ vẫn trong quá trình xây và hoàn thiện để tiết kiệm một chút chi phí”.

Cũng trong cảnh gian nan tìm trọ ở khu vực có nhiều trường đại học là Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Thanh Hoa (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã phải gọi khoảng 30 cuộc điện thoại cho các chủ nhà trọ để tìm phòng.

Sinh viên chật vật tìm phòng trọ sau thời gian dài nghỉ dịch -0
 Nguyễn Thanh Hoa gặp nhiều khó khăn khi không thể xuống xem phòng trọ trực tiếp mà phải tìm qua mạng.

Hoa cho biết, rất nhiều bài đăng cho thuê trọ trên các trang vẫn còn nhưng phòng thì đã hết từ lâu.

Bên cạnh đó, thông tin bài đăng chỉ ghi giá phòng từ 3,8 đến 4 triệu đồng không kèm theo điều kiện nào. Nhưng khi Hoa đến xem trực tiếp và nói số lượng người ở là 4, chủ nhà lập tức nói muốn tăng tiền phòng lên 4,5 triệu đồng. Đồng thời, giục các bạn phải “chốt” nhanh vì nếu không sẽ hết phòng, trong khi hầu hết các phòng trong dãy trọ thời điểm này đều không có người ở.

Hiện tại, dù đã tìm được chỗ ở, Thanh Hoa không khỏi lo lắng khi Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra thông báo hoãn lịch học trực tiếp và cho sinh viên trở lại trường muộn 1 tháng so với lịch học cũ.

“Lúc đầu khi chỉ có thông báo lùi lịch học chứ chưa có lịch chính thức, em định trả phòng nhưng chủ nhà yêu cầu phải tìm người để nhượng lại, nếu không sẽ mất 1 triệu tiền cọc đã chuyển. May mắn là giờ trường quyết định cho đi học vào 21/3 nên em vẫn giữ được phòng. Tuy vậy sẽ phải xuống Hà Nội sớm hơn, vào khoảng đầu tháng 3 để giữ chỗ ”, Hoa chia sẻ.