Sinh hoạt cộng đồng Tết Trung thu

NDO - Trong dịp Tết Trung thu, các gia đình hay cộng đồng cũng có những nghi thức, tục lệ sinh hoạt truyền thống, luôn luôn là từ trong gia đình trước rồi mới ra ngoài cộng đồng
0:00 / 0:00
0:00
Múa sư tử tại một cửa hàng trên đường phố Hà Nội đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm)
Múa sư tử tại một cửa hàng trên đường phố Hà Nội đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm)

Trong gia đình, đêm Trung thu thường cả nhà quây quần bên mâm cỗ ngắm trăng, chờ trăng lên đến thời điểm tròn nhất, đẹp nhất thì cùng nhau “phá cỗ”, ăn các loại bánh trái, hoa quả trên mâm. Trẻ nhỏ kéo nhau đi rước đèn, múa lân, múa rồng, đi qua các nhà lại kéo trẻ con nhà đó đi theo. Đoàn múa lân, rước đèn được nối dài mãi đến tận đêm khuya.

Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là cách Trung thu thưởng nguyệt.

(Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính)

Trước kia, Tết Trung thu cũng là dịp trai gái gặp nhau hát đối trống quân. Cũng từ tục hát trống quân này, nam nữ gặp gỡ, ưng ý nhau và nên duyên.

Cụ Phan Kế Bính ghi lại rằng, tục hát trống quân đêm Trung thu có từ đời Nguyễn Huệ: “Nguyên khi ông đem quân ra bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm giai gái hát đối đáp với nhau, để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm dịp, cho nên gọi là trống quân”.

Từ tục hát trống quân này, Tết Trung thu cũng trở thành “Tết dạm hỏi”, như trong “Hội hè lễ tết người Việt” mô tả: “Trung thu, Tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình.

Họ tụ tập từng nhóm từ 6-8 người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Tiếp theo những cảnh hát đối đáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin…”