Singapore đặt mục tiêu thành “thiên đường chăm sóc sức khỏe đô thị”

NDO -

Nỗ lực tìm cách tự định vị mình như một “thiên đường chăm sóc sức khỏe đô thị”, Singapore đặt trọng tâm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch bền vững trong quá trình hồi phục sau đại dịch. 

Singapore nhắm tới thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe hậu đại dịch (Ảnh: VisitSingapore)
Singapore nhắm tới thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe hậu đại dịch (Ảnh: VisitSingapore)

Tại một hội thảo do Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tổ chức hôm 6/4, ông Alvin Tan, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, cho biết, khác với Bali hay Phuket, Singapore đặt mục tiêu trở thành một thành phố sầm uất nơi mọi du khách có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

Theo ông Tan, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu ước tính đạt hơn 720 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe toàn diện. Viện sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute), một tổ chức phi lợi nhuận, dự báo, vào năm 2025, thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu sẽ đạt 1,1 nghìn tỷ USD.

Nắm bắt xu thế này, ông Tan nhấn mạnh, Singapore sẽ “phải nhắm mục tiêu đến khách du lịch chăm sóc sức khỏe thứ cấp, những người tìm kiếm trải nghiệm chăm sóc sức khỏe hoặc các lựa chọn lành mạnh trong chuyến đi đến Singapore, dù là để giải trí hay công tác”.

Ông Tan cho hay, có rất nhiều cơ hội để Singapore thu thập các trải nghiệm chăm sóc sức khỏe dựa trên bản sắc là Thành phố trong thiên nhiên và không gian xanh của Singapore.

“Chúng ta có thể sử dụng đòn bẩy công nghệ và sự đa dạng văn hóa của mình để phát triển các sản phẩm và trải nghiệm chăm sóc sức khỏe sáng tạo nhằm cải thiện thể chất và sức khỏe của mọi người, đồng thời nạp năng lượng và trẻ hóa tâm trí của họ”, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp nói.

Ngoài ra, đặt mục tiêu trở thành một điểm đến bền vững, Singapore sẽ triển khai một chương trình mới để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển du lịch bền vững. Chương trình Du lịch bền vững (TSP) sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực, thúc đẩy đổi mới cũng như giáo dục và nhận thức về mô hình phát triển du lịch này.

Để khuyến khích sự đổi mới, Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ phát triển và thử nghiệm các giải pháp bền vững sáng tạo thông qua Chương trình Tăng tốc Du lịch Singapore. Theo đó, các nhà cung cấp công nghệ sáng tạo và các doanh nghiệp du lịch sẽ hợp tác để phát triển các giải pháp trong các lĩnh vực như quản lý chất thải, nước, năng lượng và khí thải carbon, từ đó có thể được nhân rộng trong toàn ngành.

Tất cả những mục tiêu này sẽ được cung cấp khoản tài chính trong số hơn nửa tỷ USD cho một chương trình tái khởi động lĩnh vực du lịch hậu đại dịch bài bản của Singapore.

Khoản tài trợ hơn 500 triệu USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ và duy trì năng lực nhân lực chiến lược trong ngành du lịch, bù đắp chi phí kinh doanh, cũng như tăng cường các kế hoạch phục hồi quốc tế của Singapore trong thời gian tới.

Không phải đến khi du lịch có dấu hiệu hồi sinh, quốc gia Đông Nam Á này mới tung gói hỗ trợ tài chính cần thiết. Trong 2 năm qua, Chính phủ Singapore vẫn cấp hơn 1 tỷ đô la Singapore cho lĩnh vực du lịch nhằm giúp giảm các chi phí như thuế, phí,… cũng như hỗ trợ phát triển việc làm và năng lực hoạt động. Chính phủ nước này cũng dành 320 triệu đô la Singapore để thúc đẩy nhu cầu du lịch trong nước thông qua chương trình cấp phiếu thưởng SingapoRediscovers.

Đáng chú ý, ngay từ tháng 1/2021, Singapore đã sớm tung ra chiến dịch truyền thông quảng bá “SingapoReimagine” (tạm dịch: Hình dung lại du lịch Singapore) với ba hợp phần:  Reimagine Safety (tạm dịch: Tái hình dung sự an toàn), Reimagine Technology (tạm dịch: Tái hình dung các sáng kiến công nghệ), Reimagine City & Nature (tạm dịch: Tái hình dung thiên nhiên và cảnh quan đô thị).

Năm nay, Singapore lên kế hoạch tăng gấp đôi nỗ lực cho chương trình truyền thông quảng bá SingapoReimagine để thu hút du khách trở lại, thực hiện niềm đam mê du lịch thông qua những trải nghiệm mới mẻ và sáng tạo.