Văn hóa và Phát triển

Sin Suối Hồ miền đất hấp dẫn

Nằm cheo leo lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn, Sin Suối Hồ thuộc địa phận huyện Phong Thổ (Lai Châu), mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Dù mới có tên trên bản đồ du lịch từ năm 2013, nhưng bản Sin Suối Hồ đã được quy hoạch đầu tư và là địa danh không thể bỏ qua với du khách đến Lai Châu. Đến đây chiêm ngưỡng thác nước đổ xuống theo hình trái tim, nghe chuyện đổi đời nhờ cây thảo quả và hoa địa lan, chuyện trưởng bản người Mông biết dùng in-tơ-nét để quảng bá du lịch… thấy miền đất xa xôi này chứa đựng bao điều hấp dẫn.

Mùa xuân, lượng du khách đến tham quan bản Sin Suối Hồ lại đông hơn.
Mùa xuân, lượng du khách đến tham quan bản Sin Suối Hồ lại đông hơn.

Khu vườn trong mây

Không rõ cái tên Sin Suối Hồ (tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”, có tự bao giờ, nhưng ngày nay, bản Sin Suối Hồ nức tiếng không phải bởi vàng, mà là những vườn địa lan tuyệt đẹp, những nương thảo quả sum suê và cả cách làm du lịch độc đáo. Có thể đến Sin Suối Hồ bằng nhiều cung đường: Từ Mường So đi Nậm Xe, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh thăm thẳm hoặc từ TP Lai Châu qua Thèn Sin trên con đường trải nhựa phẳng lì, uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang đang độ xanh rì; cũng có thể đi Sin Suối Hồ sau khi đến với Sàng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ở độ cao gần 1.500 m và còn giữ được rừng, nên Sin Suối Hồ có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Trên con dốc ngoằn ngoèo lên bản, cô hướng dẫn viên người địa phương say sưa thuyết minh, không quên nhắc hãy quay trở lại vào khoảng tháng chín, tháng mười - thời điểm Sin Suối Hồ đẹp nhất trong năm, lúa chín vàng ươm và thảo quả thơm ngào ngạt. Ở Sin Suối Hồ, thảo quả là một trong hai loại cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, là đặc sản góp phần làm nên nét đặc trưng bởi mùi hương vào mùa thơm lâu, lan xa khiến cho “Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn”. (Mùa thảo quả - Ma Văn Kháng).

Còn bây giờ đang mùa xuân, bản là điểm hẹn cho những ai yêu hoa địa lan, loài hoa của núi rừng mang vẻ đẹp sắc sảo, mạnh mẽ. Trong bản, hai bên đường, trước những mái hiên nhà, trong khoảnh sân nhỏ hay dưới những gốc cây cổ thụ xù xì, hàng trăm chậu địa lan trổ hoa vàng óng ả. Buổi sáng sớm, lúc chiều tà, mây và sương xuống dày khiến cảnh vật ẩn hiện, mờ ảo, giống một khu vườn khổng lồ trong mây. 103 hộ gia đình ở bản Sin Suối Hồ đều trồng phong lan và địa lan, ít thì vài chục chậu, nhiều lên đến vài trăm. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, hoa lan ở đây phát triển tươi tốt, bông to mẩy, thân cành xanh mướt. Hạng A Xà, chủ nhân vườn địa lan gần 500 chậu ở Sin Suối Hồ hồ hởi khoe: “Hằng năm, khoảng trước Tết Nguyên đán hai tháng cho đến hết tháng giêng năm sau, nhà mình đón khách mua hoa liên tục. Xe ô-tô từ TP Lai Châu, Sa Pa, có cả từ Hà Nội đến, trả giá vài ba triệu đồng/chậu. Thu nhập khá hơn trước đây nhiều, nhưng nhà mình vẫn giữ cả nghề trồng ngô, nuôi dê của người Mông đấy”.

Lối nhỏ ngập hoa đưa chúng tôi dạo một vòng quanh bản, ấn tượng trước sự sạch sẽ, ngăn nắp của Sin Suối Hồ. Người Mông làm nhà trình tường trệt, cách xa chuồng trại gia súc, tuyệt nhiên không có rác rưởi hay chất thải. Ngay đầu bản là không gian sinh hoạt chung, nơi những người phụ nữ Mông ngồi dệt thổ cẩm, may áo, khâu túi làm mặt hàng lưu niệm, đám trẻ con vui đùa hồn nhiên. Mấy cậu trai trẻ hết giờ học tụ tập chơi đẩy gậy, dạy nhau thổi khèn lá, đàn môi. Nhà nào cũng có sân vườn, có cổng gỗ xinh xắn. Hộ nào làm dịch vụ lưu trú cộng đồng tại nhà dân (homestay) thì có thêm tấm biển tự thiết kế thủ công, trông thô mộc mà cũng rất… chuyên nghiệp, với đầy đủ tên, số điện thoại và được dịch sang tiếng Anh khá chuẩn. Trưởng bản Vàng A Chỉnh, người tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ homestay ở Sin Suối Hồ, đã lắp đặt wi-fi tại nhà từ lâu và còn nhờ cậu con trai đi học dưới huyện về lập cho một tài khoản mạng xã hội, để giới thiệu mô hình homestay tới du khách gần xa. Tiến bộ nhưng vẫn giữ được nét chất phác, đáng yêu, người Mông ở bản Sin Suối Hồ sẵn lòng mời khách tới nhà ngắm hoa, thưởng thức rượu táo mèo thơm nồng, cá suối, lợn thả đồi, gà Mông đen; hay dẫn khách cùng đi xem rừng thảo quả, thăm thác Tình yêu… Nếu ngủ đêm lại, luôn có chăn đệm sạch sẽ cho khách, với giá chỉ 70 đến 80 nghìn đồng/người. Cả ngàn chậu lan giá tiền triệu đặt khắp bản mà không ai tùy tiện lấy, an ninh trật tự ở Sin Suối Hồ cũng là điển hình của cả xã, cả huyện.

Đi khám phá rừng nguyên sinh và thác nước chảy vòng cung giống hình trái tim, người dân gọi là thác Tình yêu, cách bản khoảng một giờ đi bộ, du khách mua vé với giá chỉ 10 nghìn đồng - chi phí vệ sinh, bảo vệ môi trường của đồng bào. Đường mòn lên thác hầu như không có bóng dáng của vật liệu nhân tạo, cầu vắt ngang qua cũng làm bằng tre nứa. Đôi lúc tiếng khèn dặt dìu từ đâu văng vẳng vọng về. Sin Suối Hồ còn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc Mông, chưa phát triển quá nóng, thương mại quá nhanh như một số vùng ở Tây Bắc.

Sin Suối Hồ miền đất hấp dẫn ảnh 1

Phụ nữ Mông bản Sin Suối Hồ bên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

“Mỏ vàng” chờ khai thác

Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ Chẻo Quẩy Hòa cho biết: “Nghề trồng lan mới rộ khoảng ba, bốn năm nay nhưng đã giúp bản Sin Suối Hồ thoát tình trạng đói nghèo, thiếu thốn. Tiếng lành đồn xa, các bản lân cận như Chung Hồ, Căn Câu, Chí Sáng Thầu… cũng đang học hỏi mô hình trồng hoa và làm du lịch cộng đồng”. Tuy nhiên hiện nay, Sin Suối Hồ vẫn là địa bàn xa, đi lại không dễ dàng, nên khách đoàn và khách quốc tế còn ít, tua tuyến không thường xuyên, thông tin hướng dẫn, dịch vụ du lịch còn sơ sài.

Để từng bước khắc phục khó khăn và nâng cao hiệu quả du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ, giữa năm ngoái, UBND tỉnh Lai Châu đã ra quyết định công nhận đây là điểm du lịch văn hóa cộng đồng. Phòng Văn hóa huyện Phong Thổ đã vài lần tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách làm homestay, chiêu đãi ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đến nay, toàn bản có sáu hộ đăng ký và đủ điều kiện cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng. Nhà Vàng A Chỉnh, Vàng A Dế, Hạng A Xà… có đợt cao điểm đón cả trăm khách mỗi ngày. Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu) Lê Quang Minh khẳng định: “Điểm nhấn hút du khách ở đây là nghề trồng địa lan, dệt thổ cẩm và hình thức du lịch sinh thái, cùng sinh hoạt, trải nghiệm văn hóa với đồng bào. Tỉnh Lai Châu đã có chương trình vay vốn ưu đãi, dự kiến trong năm 2016 sẽ đầu tư 180 tỷ đồng mở rộng đường từ TP Lai Châu lên Sin Suối Hồ, có cả bãi đỗ xe, giúp việc giao thương buôn bán thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu khách tham quan”.

Trong Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu 2016 diễn ra từ ngày 29-4 đến 2-5 tới, Sin Suối Hồ sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng, với nhiều hoạt động phong phú. Bà Phùng Thị Ngọc Phượng, đại diện Công ty Anh Sơn - đơn vị phối hợp thực hiện chương trình, nhận định: “Bản Sin Suối Hồ có vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa gần như chưa bị can thiệp, làm nên nét hấp dẫn riêng. Những người làm chương trình không tìm cách tô vẽ, phô trương, mà dựa vào chính nét đẹp ấy để tạo ấn tượng với du khách. Cụ thể, tại bản Sin Suối Hồ sẽ có lễ hội ẩm thực 100% món ăn đặc trưng dân tộc Mông, thi giã bánh dày, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy; trưng bày các loại hoa phong lan, địa lan”.

Nhờ giỏi trồng trọt, chăn nuôi, lại thêm nghề làm du lịch tuy mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn, hiện nay bản Sin Suối Hồ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong tổng số 11 bản trên địa bàn xã. Bà con bảo nhau làm ăn, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với du khách. Nơi được gọi tên “suối có vàng” này, thì tiềm năng tự nhiên và nét văn hóa đặc sắc chính là “mỏ vàng” vô giá, vô tận cần được khai thác hợp lý và hiệu quả, giúp đồng bào vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương. Hẹn gặp lại Sin Suối Hồ vào ngày mở hội Gầu Tào rực rỡ đầu năm, hoặc mùa thu thơm mùi lúa chín, ngát hương thảo quả.