Lợi dụng nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao, một số đối tượng đã đưa vào thị trường các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Sáng 9/1, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 158 Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), phát hiện và tạm giữ khoảng một tấn nầm lợn cấp đông, bốc mùi hôi thối.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của lô hàng. Chủ lô hàng cho biết, số nội tạng động vật này được đối tượng thu mua trôi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ thì bị kiểm tra, tạm giữ.
Trước đó, ngày 22/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện và tiến hành kiểm tra một xe ô-tô trên đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai). Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có gần 9.000 sản phẩm máy hút thuốc lá điện tử và phụ kiện, tổng trị giá ước tính khoảng 3,7 tỷ đồng.
Nhãn mác của toàn bộ số hàng hóa này thể hiện do nước ngoài sản xuất, hàng hóa không rõ chất lượng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô hàng hóa.
Để ngăn chặn tình trạng này, Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm trên địa bàn kéo dài trong ba tháng, kết thúc vào đầu tháng 2/2023. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các quận, huyện, thị xã, nhất là ba đội cơ động, tăng cường theo dõi địa bàn, nắm bắt diễn biến thị trường để xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, phát sinh.
Trong đó, tập trung kiểm soát, xử lý triệt để, có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh, tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, nhất là tại các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại địa bàn các quận, huyện như: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên... Các lực lượng chức năng kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời, không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Tuy vậy, công tác kiểm soát thị trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như sử dụng hóa đơn điện tử để quay vòng hàng hóa, lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng lậu, hàng giả..., rồi gửi hàng qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh, nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, phát hiện. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp tình hình thực tế cũng khiến lực lượng chức năng chưa phát hiện được nhiều đường dây buôn lậu, hàng giả quy mô lớn.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội cần quyết liệt kiểm soát thị trường trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng giả qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài, thương mại điện tử, các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn trong nước...
Các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác điều tra, nắm bắt tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, từ đó đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Chú trọng kiểm soát các mặt hàng có nguy cơ thẩm lậu qua đường tiểu ngạch; tập trung kiểm tra trên các tuyến giao thông, nhà ga, bến xe, kho hàng, điểm tập kết, chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn.
Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Trong quá trình triển khai nhiệm vụ cần kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị kiến thức pháp luật, khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước.
Khi mua hàng, người dân cần phải lấy hóa đơn để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, tố giác những vi phạm về chất lượng hàng hóa.