Tuy nhiên, có một số trường hợp vẫn bất chấp các quy định pháp luật để sản xuất, kinh doanh xăng giả, xăng lậu với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong đó, đáng ngại là tình trạng pha chế, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng,... làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại nặng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thất thu ngân sách nhà nước và xâm hại trực tiếp quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Trong số hàng loạt vi phạm về kinh doanh xăng dầu, các vi phạm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu mặc dù không đáng kể, nhưng đang có xu hướng gia tăng. Số liệu thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho thấy, sáu tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 1.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xử lý gần 190 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,9 tỷ đồng.
Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp cố ý tác động vào cấu trúc kỹ thuật của các trụ bơm, làm thay đổi đặc tính đo lường, kỹ thuật để làm sai lệch kết quả đo. Có những trường hợp không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu, bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực, thậm chí bán xăng dầu nhập lậu.
Tình trạng nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm,… nhằm thu lợi bất chính. Đáng ngại nhất là tình trạng mua bán các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm dùng để pha chế xăng dầu trên thị trường khá dễ dàng là cơ hội để các đối tượng cố ý gian lận về xăng dầu lợi dụng. Khó khăn ở chỗ, các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước tương đối đầy đủ trong vấn đề chống hàng giả, nhưng lại thiếu những văn bản cụ thể xác định thế nào là xăng dầu giả, kém chất lượng,...
Hiện công tác quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu đang dần được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, tuy nhiên, một số trường hợp vẫn còn buông lỏng để xảy ra các vụ việc vi phạm. Do đó, cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về công tác quản lý, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời, cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận.
Lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao với các trường hợp cố tình vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, từ đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nhân chân chính.