Siết chặt quản lý kê đơn bán thuốc bằng công nghệ thông tin

NDO -

NDĐT – Đã có gần 4.200 cơ sở bán lẻ thuốc được kết nối công nghệ thông tin, quản lý 22 nghìn đơn thuốc là một nỗ lực lớn của ngành y tế khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối với cơ sở cung ứng thuốc.

Ảnh: HẢI NAM.
Ảnh: HẢI NAM.

Đã kết nối gần 4.200 cơ sở bán lẻ thuốc

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc là một trong những chủ trương của Bộ Y tế nhằm thực hiện Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Để triển khai cụ thể nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc phiên bản 1.0 bao gồm 23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế. Các tiêu chí này nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Với việc tất cả các thuốc đều được quản lý chặt chẽ từ khi nhập khẩu, sản xuất cho đến tay người tiêu dùng sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Người dân có thể so sánh giá để mua thuốc với chi phí hợp lý qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website… tương tự như các hàng hóa thông thường khác vốn đã được áp dụng trong nền tảng thương mại điện tử hiện nay.

Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc đã được thí điểm khá thành công. Ngoài sự tham gia ban đầu của bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.

Ngoài giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, thì cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời, đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Siết chặt quản lý tình trạng bán thuốc không kê đơn

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hiện nay hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.

Do đó, việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.

Ngày 3-5-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BYT Ban hành danh mục thuốc không kê đơn. Theo quy định tại Thông tư này, Danh mục thuốc không kê đơn (bao gồm 243 hoạt chất) là cơ sở để phân loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn. Theo đó, đối với những thuốc thuộc Danh mục thuốc không kê đơn thì được mua không phải có đơn của thầy thuốc. Còn các thuốc không phải danh mục nêu trên thì phải có đơn của thầy thuốc khi mua.

Theo bà Nguyễn Minh Hoài, Tổ trưởng Tổ đề án Ứng dụng Công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc của Cục Quản lý Dược cho biết “Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi, Bộ Y tế sẽ rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược”.

Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc ba năm một lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, quản lý thị trường…Vì vậy nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng được cơ sở dữ liệu dược quốc gia và đang phối hợp Viettel tiếp tục hoàn thiện cổng tra cứu thuốc. Toàn bộ dữ liệu thuốc được chuẩn hóa đầy đủ thông tin về sản phẩm như số đăng ký, nhà sản xuất, quy cách đóng gói, công dụng, liều dùng, cách dùng, giá thuốc... sẽ được đăng tại cổng tra cứu thuốc. Dự kiến từ nay đến năm 2020, Việt Nam đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn tại quầy, nhà thuốc.