Tỉnh Hậu Giang đang xây dựng chính sách hỗ trợ các chủ lò than chuyển đổi nghề, cũng như lắp đặt các thiết bị xử lý khói, bụi, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động ở các lò than.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 900 lò hầm than củi với hơn 410 hộ dân làm nghề. Trong đó, xã Phú Tân, huyện Châu Thành có 532 lò với 299 hộ dân làm nghề, số còn lại tập trung ở hai xã Đại Thành và Tân Thành của thành phố Ngã Bảy. Không ai nhớ rõ nghề hầm than củi này có tự bao giờ, chỉ biết họ làm nghề này đã 30-40 năm từ những lò than cũ mà ông cha để lại.
Trong khuôn viên rộng khoảng 2.000m2 của gia đình, bà Phan Huệ Sen ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành chất đầy các loại củi đước, tràm bông vàng, bạch đàn… Chín lò hầm than, trong đó có ba lò đang nghi ngút khói, ba lò chuẩn bị ra than và ba lò đang xếp củi. Hàng chục người làm công hì hục chụm (đốt) lò, vác củi, ra than… với khuôn mặt đen nhẻm, tay lấm lem bụi than, mồ hôi nhễ nhại. Bà Phan Huệ Sen cho biết: “Làm cái nghề này vất vả lắm. Giá cả cũng bấp bênh, lời lãi không là bao, nhưng cũng đủ để anh, chị, em công nhân nuôi sống gia đình, lo cho con cái học hành”.
Bà Sen cho biết thêm, thời gian từ lúc xếp củi vào lò rồi hầm cho đến khi ra than mất một tháng rưỡi. Hiện, giá than dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu, nhân công… còn khoảng hơn 200 triệu đồng/một mẻ than; chủ lò lời được từ 5-10 triệu đồng. Mỗi lò than cần thuê từ năm đến bảy lao động. Công việc ra than chín là của chị em phụ nữ, khuân vác củi lên lò và ra than xuống ghe cho thương lái là của đàn ông.
Đưa than xuống ghe bán cho thương lái. |
Lò than của bà Sen hiện có gần 50 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài tiêu thụ than ở nội địa, cơ sở của bà Sen còn liên kết gia công đóng gói than cho một công ty xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), mỗi ký than đóng gói được trả công 1.000 đồng. Nhờ đó, thu nhập của lao động ở đây cũng khá, bình quân một lao động có thể kiếm khoảng 200.000 đến 400.000 đồng/ngày công, tùy việc nặng nhẹ.
Mặc dù là sinh kế của hàng chục lao động nhưng điều đáng quan tâm là các lò than đang hoạt động đều không có hệ thống xử lý chất thải, khói, bụi phát tán ra môi trường chung quanh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và năng suất vùng cây ăn trái gần đó. Nhiều người bị ảnh hưởng đã phản ánh đến các ngành chức năng.
Để khắc phục ảnh hưởng môi trường của các lò hầm than, nhiều giải pháp được chính quyền địa phương, ban, ngành chuyên môn đưa ra nhưng chưa thể áp dụng rộng rãi. Năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang thực hiện thí điểm mô hình xử lý khí thải lò hầm than củi tại một hộ dân ở xã Tân Thành, thị xã (nay là thành phố) Ngã Bảy với chi phí khoảng 90 triệu đồng.
Hệ thống xử lý chất thải này đã mang lại hiệu quả tích cực, khí thải sau khi được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường dự tính nhân rộng mô hình, nhưng không có kinh phí và người dân cũng không đủ tiền để tự đầu tư. Đến nay, mô hình chỉ dừng lại ở một hộ thí điểm. Sau hơn 5 năm hoạt động, hộ này cũng không còn sử dụng do chi phí vận hành khá tốn kém.
Năm 2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ngã Bảy thực hiện mô hình với chi phí đầu tư 85,5 triệu đồng cũng khá hiệu quả, khí thải đạt quy chuẩn môi trường nhưng tuổi thọ kém, đã hư hỏng. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cũng phối hợp Trường đại học Cần Thơ thí điểm mô hình xử lý chất thải lò than củi với chi phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng nhưng hiệu quả không cao...
Thực tế, các ngành chức năng đã tìm nhiều mô hình ứng dụng khoa học-công nghệ vào xử lý môi trường lò hầm than, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi do người sản xuất lo ngại chi phí đầu tư lớn cho nên không lắp đặt. Mặt khác, các mô hình khi đưa vào vận hành một phần đã làm giảm chất lượng sản phẩm than củi, cho nên mọi cố gắng đều không có hiệu quả như mong đợi...
Để giải quyết vấn đề lò hầm than, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong khi chờ hướng giải quyết, trước mắt, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện không cho phát sinh thêm lò than mới. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, các địa phương có lò than đã có quy hoạch đất để phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tới đây, việc thu hồi đất sẽ làm giảm đáng kể số lò than đang hoạt động.
Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cũng vừa thông qua đề án về bảo vệ môi trường. Quan điểm của tỉnh là chỉ cấp phép hoạt động cho những cơ sở hầm than củi có thiết bị xử lý khói bụi, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ các chủ lò than 50% kinh phí để chuyển đổi nghề cũng như lắp đặt các thiết bị xử lý khói, bụi; đồng thời, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động làm thuê ở các lò than...