Siết chặt quản lý an toàn phòng trọ

Tờ trình về quản lý nhà ở riêng lẻ cho thuê làm phòng trọ của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đang khiến cả chủ nhà lẫn người thuê hoang mang. Theo quy định mới, diện tích bình quân tối thiểu của nhà trọ phải bảo đảm 5 m2 sàn/người; hẻm phải rộng tối thiểu 4m, cách đường chính không quá 100m; mọi phòng trong nhà phải bảo đảm có hành lang dẫn ra lối thoát nạn…
0:00 / 0:00
0:00
Dãy nhà trọ công nhân ở hẻm 53 Đường số 2, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức.
Dãy nhà trọ công nhân ở hẻm 53 Đường số 2, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức.

Quy định được cho rằng, sẽ làm tăng chất lượng nơi ở cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cải thiện bộ mặt đô thị nhưng cũng sẽ làm tăng gánh nặng chi tiêu của người dân.

Giá nhà trọ sẽ tăng?

Bà Lê Thanh Khương, chủ khu nhà trọ tại số 370 Nguyễn Văn Luông (Phường 12, Quận 6) cho biết, mỗi phòng trọ bà đang cho thuê rộng 16 m2 với từ 3 đến 4 người ở, giá thuê 1,7 triệu đồng/tháng. Nếu triển khai quy định này, bà sẽ phải giới hạn lại số người thuê tối đa là 3 người/phòng và vẫn bảo đảm không tăng giá tiền thuê nhà để người lao động có nơi sinh hoạt.

Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ, nếu quy định mới được áp dụng, những người có hoàn cảnh khó khăn buộc phải ở ghép hoặc các gia đình từ 4 người trở lên sẽ phải thuê nhiều phòng hơn.

Với quy định nhà trọ phải xây dựng trong hẻm rộng tối thiểu 4m, cách đường chính không quá 100m, theo bà Khương là khó khả thi, nhất là đối với các khu dân cư hiện hữu, dân số đông. Đặc điểm đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay rất khó để tìm được các khu đất xây nhà trọ đáp ứng tiêu chí nêu trên. Đó là chưa kể, nhà trọ càng gần đường chính thì tiền thuê càng cao, người lao động với mức thu nhập thấp khó mà kham nổi.

Cũng với nỗi lo tăng giá, chị Trần Lê Bình An, người thuê trọ tại địa chỉ 436A (Đường 3/2, Phường 14, Quận 10) cho rằng, các nhà trọ giá cả hợp lý với sinh viên, công nhân sẽ khó đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí mà Sở Xây dựng đề xuất, người có thu nhập thấp muốn thuê trọ giá rẻ chỉ có thể chấp nhận đi sâu vào hẻm, hoặc sống nơi có diện tích nhỏ.

Bên cạnh đó, các nhà trọ nếu không đáp ứng được sẽ bị ngừng hoạt động có thể dẫn đến khan hiếm phòng trọ, chủ trọ có thể lấy cớ đó để tăng giá thuê. Nhìn xa hơn, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt lao động khi mất đi một bộ phận công nhân đang trọ gần các khu công nghiệp vì không còn đáp ứng được chi phí nơi ở.

Chị Nguyễn Quế Trâm, giáo viên trường mầm non, thuê trọ tại số 298/10 (Nguyễn Thượng Hiền, Phường 5, quận Phú Nhuận) lo lắng: Với những người có thu nhập không cao như chị, tiền thuê trọ ở một quận gần trung tâm để tiện cho công việc đã là một gánh nặng lớn. Nếu các đề xuất được thông qua trong khi tiền lương của người lao động thì không tăng, sẽ khiến cuộc sống của gia đình chị khó khăn hơn.

Bảo đảm an toàn về nhà ở

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân, gồm: 34.800 dãy phòng cho thuê độc lập, với 357.246 phòng; 25.670 nhà ở riêng lẻ ngăn chia phòng cho thuê, với 202.973 phòng; trong đó có khoảng 12.800 công trình (chiếm 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động, gồm khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy.

Tờ trình về quản lý nhà ở riêng lẻ cho thuê làm phòng trọ nhằm thống nhất các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy, chữa cháy để phát triển nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ. Sở Xây dựng cũng đề xuất hỗ trợ chủ nhà trọ vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp nhà trọ đạt tiêu chuẩn an toàn; hỗ trợ cho vay vốn chuyển đổi ngành nghề kinh doanh đối với các trường hợp không đáp ứng được điều kiện.

Dự kiến, thành phố sẽ chọn ba khu vực có đông nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ để thực hiện thí điểm rồi sơ kết, đánh giá, tiến tới áp dụng trên toàn thành phố.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định chuẩn hóa các khu nhà trọ nhằm bảo đảm an toàn cho người ở là cần thiết. Tuy nhiên, theo một khảo sát mới nhất của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, 70% lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ngoại tỉnh, trong đó 50% cần chỗ ở, tương ứng 1,3 triệu người.

Trong số này, hầu hết sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây, cải tạo cho thuê. Diện tích trung bình mỗi phòng chừng 14 m2 với mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Số khác thuê theo hình thức hộ gia đình, mỗi tháng phải trả từ 2-3 triệu đồng. Công nhân dành từ 10-15% thu nhập để chi trả cho chỗ ở.

Theo bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất-công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, với tiêu chí mới về diện tích, hẻm, khoảng cách so với mặt đường chính thì có đến 12.800 nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động, điều này có nghĩa nguồn cung nhà trọ trên địa bàn sẽ giảm mạnh; 21% nhà trọ dừng hoạt động tức cũng sẽ có tương đương số người phải tìm kiếm chỗ ở mới.

Khi nguồn cung giảm, giá phòng sẽ tăng, gây thêm áp lực về chi tiêu và chỗ ở cho nhóm công nhân lao động thu nhập thấp. Do vậy, thành phố cần có lộ trình hợp lý để bảo đảm nhu cầu về nhà ở, người dân không bị xáo trộn cuộc sống.

Từ ngày 1/8, khi Luật Nhà ở 2024 có hiệu lực thi hành, nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ mà có từ 2 tầng trở lên và quy mô dưới 20 phòng trọ không phải lập dự án đầu tư, nhưng phải bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và các yêu cầu khác theo quy định của từng địa phương.