Siết chặt công tác quản lý, tránh lây chéo tại khu cách ly

NDO -

Sau 33 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đã phát hiện một ca nhiễm mới tại Yên Bái lây từ chuyên gia Ấn Độ trong khu cách ly. Công tác quản lý tại khu cách ly chưa bảo đảm không chỉ là bài học kinh nghiệm của Yên Bái mà còn là bài học chung cho địa phương khác trong cách ly phòng, chống dịch.

Siết chặt công tác quản lý, tránh lây chéo tại khu cách ly

Ngày 28-4, Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Yên Bái – nơi vừa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng là một nhân viên khách sạn. Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có tiếp xúc với chuyên gia Ấn Độ - ca bệnh 2857 (mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh) được cách ly tập trung nghiêm ngặt ngay từ khi tiếp xúc với đoàn chuyên gia của Ấn Độ thực hiện cách ly khách sạn.

Từ thực tế kiểm tra công tác cách ly tại Yên Bái, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, từ thảm cảnh đang diễn ra tại Ấn Độ, Việt Nam phải hết sức trân quý, giữ gìn những thành quả đang có trong công tác chống dịch song cần đặc biệt nâng cao cảnh giác bởi hiện nay nguồn chuyên gia nhập cảnh chủ yếu  là từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi đó tại Ấn Độ đang rơi vào cơn bão dịch Covid-19.

Về ca bệnh lây nhiễm trong khu cách ly tại Yên Bái, Thứ trưởng nhấn mạnh, Yên Bái vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong công tác cách ly đòi hỏi tỉnh này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Địa phương này chưa có biện pháp thực sự hiệu quả giảm tiếp xúc những người đang thực hiện nhiệm vụ, chưa bố trí phòng cách ly dự trữ. Khu cách ly thiếu tài liệu tuyên truyền, chưa có phương án xử trí khi có trường hợp dương tính hay có sự cố cháy nổ, sự cố kỹ thuật xảy ra…

Cơ sở cũng chưa phân rõ khu cách ly người nhập cảnh và khu điều hành, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo nếu không may có ca bệnh. 

Bên cạnh đó, tại khu cách ly tập trung việc bố trí khu vực đêm chưa phù hợp, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị cho người cách ly, chưa có phương án xử trí khi có trường hợp hợp dương tính; không phân định, sắp xếp rõ ràng các nhóm nguy cơ trong khu cách ly. “Cơ sở chưa sắp xếp cách ly tập trung cho các nhóm chuyên gia nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch bùng phát mạnh với các biến thể mới”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu.

Về các biện pháp phòng chống lây nhiễm khử khuẩn tại khu cách ly, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, cán bộ tại khu cách ly chưa mặc quần áo bảo hộ khi đưa đồ ăn, thức uống cho người cách ly. Đôi khi người đứng đầu cơ sở cách ly tập trung vẫn chưa nắm rõ quy trình cách ly cùng các yêu cầu cụ thể trong công tác cách ly do ngành y tế ban hành.

Chất lượng nước sát khuẩn tại cơ sở cách ly tập trung chưa bảo đảm, chưa được Bộ Y tế cấp phép. Quy trình lưu giữ chất thải, lây nhiễm chưa đúng quy định, công tác tổ chức giám sát sau 14 ngày cách ly tập trung chưa tốt.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Yên Bái cần nghiêm túc thực hiện việc quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị để nâng cao hiệu quả chống dịch trên địa bàn. Yên Bái cần quyết liệt sâu sát hơn, không để xảy ra tình trạng lây chéo trong khu cách ly.

"Bài học về ca bệnh F1 vừa xảy ra cho thấy công tác quản lý tại khu cách ly chưa bảo đảm. Đây không chỉ riêng bài học kinh nghiệm của Yên Bái mà còn là bài học chung cho địa phương khác trong cách ly phòng, chống dịch. Các cơ sở cách ly phải thực hiện nghiêm Hướng dẫn cách ly tập trung phòng chống Covid-19 do Bộ Y tế ban hành", Thứ trưởng nói. 

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Cục Quản lý Môi trường Y tế có văn bản hướng dẫn để chấn chỉnh công tác cách ly ở các địa phương.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng lưu ý, với chủng virus đột biến kép ở Ấn Độ, nếu không kiểm soát tốt, cách ly sau nhập cảnh không nghiêm ngặt, virus hoàn toàn có khả năng xâm nhập. Các biến chủng virus hiện nay được ghi nhận đều có tốc độ lây lan rất nhanh, gây bùng phát dịch nhanh chóng nếu không có biện pháp ngăn chặn tốt.

Ông Phu cho hay, hiện năng lực của Việt Nam khá hơn rất nhiều về kinh nghiệm trong ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, tất cả không được chủ quan, lơ là, phải sẵn sàng mới có thể đáp ứng khi bùng dịch.

Vì thế, các địa phương không chỉ lo cơ sở cách ly, mà còn cần người có năng lực, trình độ về quản lý, cách ly để không có sự lây chéo trong các khu này. "Chúng ta phải diễn tập để khi có ca bệnh, các địa phương triển khai cách ly và đối phó được ngay, thực hiện "bốn tại chỗ". Khi dịch bùng phát, không có cơ sở cách ly, điều trị sẽ rất nguy hiểm”, ông Phu nói.