Gói thầu có giá trị cao kỷ lục 8,1 tỷ euro mà Siemens Mobility - công ty con và quan trọng nhất của tập đoàn Siemens, ký với Chính phủ Ai Cập cùng 2 tập đoàn lớn của Ai Cập là Orascom Construction và The Arab Contractors, sẽ xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc dài 2.000km ở Ai Cập.
Với hợp đồng ký kết, Siemens Mobility sẽ cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng và 41 đầu tàu kéo hàng.
Ngoài ra, 8 nhà ga cũng sẽ được xây dựng cùng hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.
Chủ tịch Siemens, ông Roland Busch, cho biết với những công nghệ mới nhất cùng mình, Ai Cập sẽ sở hữu hệ thống đường sắt lớn thứ 6 và hiện đại nhất thế giới, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng xe bus và ô-tô hiện tại.
Mạng lưới đường sắt sẽ kết nối 60 thành phố ở Ai Cập, với các tàu cao tốc có tốc độ tới 230km/h.
Bản siêu hợp đồng này sẽ giúp tạo ra khoảng 40.000 công ăn việc làm ở Ai Cập, bên cạnh gần 7.000 việc làm ở các nhà cung cấp khác của Ai Cập và các ngành kinh tế khác.
Khi mạng lưới được hoàn thiện, khoảng 90% dân số Ai Cập có thể tiếp cận sử dụng hệ thống mới này.
Hệ thống sẽ có 3 chặng chính, gồm hệ thống kênh đào Suez trên đường ray trị giá 2,7 tỷ euro đã công bố tháng 9/2021, là chặng dài 660km nối giữa các thành phố cảng Ain Sochhna ở Biển Đỏ với Marsa Matruh cũng như Alexandria ở Địa Trung Hải.
2 chặng còn lại vừa được ký kết xây dựng ngày 29/5, gồm 1 chặng dài 1.100km nối Cairo và Abu Simbel gần biên giới với Sudan, giúp kết nối thủ đô Cairo với các trung tâm kinh tế ở phía nam cũng như hỗ trợ phát triển cho các cộng đồng dân cư dọc sông Nil.
Chặng thứ 3 dài khoảng 225km sẽ kết nối các điểm khảo cổ học là Di sản văn hóa thế giới ở Luxor với Hurghada trên Biển Đỏ.
Ngoài ra, chặng này cũng sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu tới cảng Safaga hiệu quả và bền vững hơn.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi có mặt tại lễ ký kết mô tả mạng lưới đường sắt mà nước này đang xây dựng là sự mở rộng giá trị hệ thống giao thông vận tải của Ai Cập, mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ thống đường sắt ở Ai Cập, châu Phi và Trung Đông.