Vào đêm 6-10, cơn lũ dữ đã cướp đi sinh mạng của anh Nguyễn Văn Trường khi lội qua đập tràn suối Đội 7 để đón con trai là cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long. Khi qua giữa suối, hai cha con bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Sau những nỗ lực tìm kiếm, lặn tìm trong từng học đá, đến trưa 8-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Trường cách vị trí bị nước lũ cuốn trôi khoảng 5km.
Anh Trần Đại Nghĩa, người cùng đi qua đập tràn với hai cha con anh Trường, may mắn thoát khỏi cơn lũ dữ, kể lại: “Vào thời điểm trên, có tám phụ huynh đến khu vực cầu tràn Đội 7 để đón các cháu học sinh đi học ở trung tâm huyện về (các cháu đi học được xe đưa đón đến cầu tràn).
Lúc này, nước suối tràn qua ngầm khoảng 80cm, không xe máy nào qua được. Thấy vậy, tôi và anh Trường dựng xe máy bên này ngầm tràn và đi bộ qua ngầm để đón con. Qua đến nơi, anh Trường cõng cháu Long, còn tôi cõng theo con mình là Trần Anh Tuấn và cùng nắm tay nhau để lội về.
Khi đến giữa ngầm, một cây củi dài khoảng 2m, đường kính khoảng 15cm trôi qua va đập vào chân làm cả anh Trường và tôi ngã xuống nước. May mắn là tôi đứng được dậy và tiếp tục đi vào bờ an toàn, còn hai cha con anh Trường không trụ vững nên bị nước lũ cuốn trôi”.
Những ngày qua, người dân làng Chư Kó, xã Ia Púch cùng với Dân quân, Công an xã, chiến sĩ Công ty TNHH MTV Bình Dương (Binh đoàn 15) lội dọc khe suối, tìm kiếm trong lau lách, bụi rậm, tìm kiếm thi thể của cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long.
Thượng tá Lưu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Bình Dương, Binh đoàn 15, cho biết, hiện đơn vị huy động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm triển khai các biện pháp tìm kiếm, trục vớt nạn nhân.
Các chiến sĩ giăng lưới dọc khe suối để tìm thi thể, có người lặn hụp hàng tiếng đồng hồ dưới suối, lùng sục trong từng học đá. Thế nhưng... “đã một tuần trôi qua, vẫn chưa tìm thấy thi thể cháu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi nào không còn đủ khả năng và sức lực, vì đó vừa là trách nhiệm, vừa để giảm nhẹ đau thương cho gia đình nạn nhân”, Thượng tá Đoàn chia sẻ.
Những ngày này, trên địa bàn huyện Chư Prông vẫn còn mưa. Con đường dẫn về làng Chư Kó (nơi ở của gia đình anh Trường) vẫn khó đi nhưng không vì vậy mà cản được bước chân của các đoàn khi hay tin gia đình bị nạn đến sẻ chia đau thương, mất mát.
Vượt qua vườn cao-su xanh um ở Đội 7 (Công ty TNHH MTV Bình Dương) là đến nhà anh Nguyễn Văn Trường. Từ xa, nhiều người đã không khỏi chạnh lòng khi nhận ra mái nhà nghèo, đơn sơ, được lợp bằng vài tấm ván mỏng manh, bị nước mưa làm mục nát, lúc trời mưa lớn, nước mưa tạt vào nhà lạnh ngắt, tái tê. Trong nhà không có đồ đạc gì giá trị.
Ngồi bệt trên nền nhà, chị Hoàng Thị Thúy Vinh (SN 1989, vợ anh Trường) và con gái Nguyễn Quỳnh Như (học sinh lớp 6) đeo vành khăn tang trắng toát. Hai mẹ con ôm nhau khóc, thỉnh thoảng ngất lịm trước di ảnh của người thân. Gia đình vẫn để chiếc quan tài trước mái hiên, mong ngóng tìm thấy cháu Long.
Chị Vinh kể trong nước mắt, từ năm 2012, hai vợ chồng chị từ quê Hà Tĩnh vào xã Ia Púch xin làm công nhân nông trường cao-su, thuộc Công ty TNHH MTV Bình Dương. Vài năm gần đây, giá cao-su xuống thấp, đời sống nhiều gia đình công nhân gặp khó khăn, gia đình anh cũng không ngoại lệ.
Anh Trường bỏ công nhân, ra ngoài làm thuê, làm mướn đủ nghề với mong muốn có tiền lo cho gia đình và nuôi con cái ăn học. Chị Vinh thì vẫn gắn bó với nông trường; đồng thời còn nuôi thêm dê, trồng thêm rau, đậu đưa ra chợ bán kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Đầu năm học mới của hai con, anh Trường làm việc tận khuya mới về, mong có chút tiền mua thêm cuốn tập, cây bút cho con nhỏ. “Ai ngờ tai họa giáng đến quá bất ngờ, không biết tương lai của cháu Như sau này sẽ ra sao nếu không còn cha..”, chị Vinh nói trong nước mắt.
Những ngày qua, nhiều đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa phương đã đến động viên, chia sẻ và hỗ trợ gia đình chị Vinh vượt qua khó khăn, mất mát. Trong đó, Binh đoàn 15 tặng 10 triệu đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai hỗ trợ 5 triệu đồng… cùng sự chăm lo từ cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con làng Chư Kó, xã Ia Pusch và huyện Chư Prông...
Ông Từ Ngọc Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Mỗi mùa mưa bão, nước sông suối gần khu vực biên giới dâng cao, nước chảy rất nguy hiểm. Trong khi, hằng ngày, người dân làng Chư Kó và các làng lân cận vẫn phải thường qua lại để sản xuất và đưa đón con đến trường. Mong muốn của chính quyền địa phương là có cây cầu bắc qua suối để người dân đi lại an toàn”.
Có lẽ đây cũng chính là mong muốn chung của người dân các làng đang sinh sống trên vùng biên giới xã Ia Púch, để đừng xảy ra những đau thương như gia đình anh Trường, chị Vinh.