Mỗi ngày, Khoa Nhi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận từ 60 đến 70 bệnh nhân điều trị nội trú, cao điểm có ngày hơn 100 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhi đến khám và điều trị tại đây có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là các con em người dân tộc thiểu số không đủ ăn, đủ mặc.
Thăm khám cho các bệnh nhi, tiếp xúc với người nhà các em hằng ngày, thấu hiểu, trăn trở với những khó khăn, đau đớn do bệnh tật mà các em nhỏ phải gánh chịu, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tại Khoa Nhi đã nảy ra ý tưởng thành lập chương trình “Tủ quần áo 0 đồng” với mong muốn mang lại sự động viên đối với các bệnh nhi và người nhà, góp phần chia sẻ khó khăn trong cuộc sống đối với gia đình các em.
Chị Y Tra, thôn 3, xã Kroong, TP Kon Tum, chia sẻ, cả gia đình chị làm nông và có 4 con nhỏ nên đời sống gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Khi cháu thứ 4 bị sốt, co giật thì gia đình đưa vào nhập viện. Toàn bộ số tiền gia đình tích góp được đều dùng vào việc chữa trị nên không có điều kiện để mua bỉm, quần áo. Nhờ tủ quần áo miễn phí của các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Nhi, cháu đã có bỉm để dùng và quần áo sạch để mặc.
Triển khai từ năm 2019, bắt đầu bằng sự tự vận động đóng góp từ bác sĩ, điều dưỡng trong khoa, mỗi người chọn một ít quần áo cũ còn sử dụng tốt ở nhà, tã và đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, giặt giũ sạch sẽ đem lên khoa để tạo nên "Tủ quần áo 0 đồng" mang đầy hơi ấm tình thương đến các em nhỏ. Tủ quần áo trông rất đơn sơ, giản dị nhưng chứa đầy những tình cảm và sự sẻ chia mà đội ngũ nhân viên y tế tại Khoa Nhi dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây.
Sau một thời gian triển khai, bằng sự đóng góp của cán bộ, nhân viên trong khoa thì nguồn quần áo cũng dần cạn kiệt. Để duy trì hoạt động đầy ý nghĩa này, cán bộ, nhân viên trong Khoa Nhi bắt đầu kêu gọi nguồn quần áo, bỉm, sữa từ những người thân trong gia đình, các nhà hảo tâm, vận động từ các bệnh nhân có điều kiện ở trong khoa... Qua đó, đã kêu gọi được một số mạnh thường quân tích cực và thường xuyên đối giúp chương trình ngày càng phát huy hiệu quả.
Bác sĩ Chuyên khoa I Hà Anh Đức, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết: "Khi tiếp nhận số quần áo được ủng hộ, đội ngũ tại Khoa Nhi sẽ giặt tẩy, phơi khô, bảo đảm quần áo được sạch sẽ, mang ra để tại chiếc tủ được đặt trong khuôn viên của khoa. Khoa phân công một điều dưỡng hằng ngày bảo đảm trong tủ luôn luôn có đồ cho các em".
Ban đầu "Tủ quần áo 0 đồng" chủ yếu là đồ trẻ em, nhưng sau này nhiều người ủng hộ cả đồ người lớn, khoa đã để riêng một ngăn tủ để người nhà bệnh nhi nếu cần thì lấy sử dụng. Từ đây, các gia đình có thể thoải mái lựa chọn cho con em và mình những bộ quần áo tươm tất, phù hợp để mặc; đây là nguồn động viên to lớn giúp những gia đình khó khăn đỡ bớt áp lực và lạc quan hơn trong cuộc sống.
Các bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Nhi đa phần là các em người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn. Các em nằm viện lâu ngày thì khó khăn sẽ càng thêm chồng chất. Ngoài việc tổ chức "Tủ quần áo 0 đồng" các bác sĩ, điều dưỡng của khoa thường xuyên phải quyên góp, kêu gọi sự ủng hộ để giúp đỡ gia đình bệnh nhân vượt qua gian khó. Nhiều bệnh nhi bệnh nặng nhưng gia đình hết tiền, nằng nặc đòi đưa con, em về nhà, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi lại kêu gọi trong khoa và các nhà hảo tâm để vận động tiền chữa bệnh cho các cháu.
Chị Y Duýt, thôn Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, xúc động chia sẻ: Con mình bị sốt, phù 2 chân, nhập viện gần 3 tuần nay. Nhờ có sự tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Nhi mà bệnh tình cháu chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, khoa còn hỗ trợ áo quần sạch, đẹp cho cháu và tiền đi lại cho gia đình. Mình rất biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng của khoa.
Bằng trách nhiệm của người thầy thuốc hết mình với bệnh nhân nhưng trên hết là sự thấu hiểu, đồng cảm với từng hoàn cảnh khó khăn của gia đình bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Kon Tum đã mang lại hơi ấm và trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình bệnh nhân. Từ đó giúp các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, đồng thời lan tỏa tấm lòng thiện nguyện đến với những mảnh đời bất hạnh.