Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương

NDO -

Ngày 20/5, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phối hợp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương”.

Quang cảnh buổi Hội thảo.
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 25 năm phát triển để trở thành trung tâm công nghiệp năng động, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tỉnh luôn quan tâm, có những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Với việc ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của công nghệ, khoa học hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đến nay, nông nghiệp của tỉnh Bình Dương phát triển ổn định, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Bình Dương nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.   

Phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tuy tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế ngày càng giảm nhưng quy mô giá trị sản xuất nông nghiệp tại tỉnh tăng rất cao, từ 1.424 tỷ đồng năm 1997 tăng lên 23.949 tỷ đồng  năm 2021, gấp 16,81 lần năm 1997. Đến nay, tỉnh Bình Dương có diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.763,5 ha; 146 trang trại chăn nuôi gà và 231 trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao. Tại tỉnh đã có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn hoạt động rất hiệu quả.

Hội thảo lần này là sự kiện khởi đầu cho một số đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ có ý nghĩa lớn trong thực tiễn, tỉnh Bình Dương mong muốn được gắn kết, chia sẻ với các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, các viện, trường và doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm. Đây cũng là dịp để tỉnh tiếp nhận những thông tin quý báu, học tập được những kinh nghiệm tốt, những giải pháp hay để đưa lĩnh vực nông nghiệp Bình Dương ngày càng phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Nông nghiệp công nghệ cao, thực trạng và định hướng phát triển; vai trò của khoa học công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh khoa học công nghệ, tạo sức bật mới cho kinh doanh; vai trò của vi sinh vật trong nông nghiệp; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...

Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương -0
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. 

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hùynh Thành Đạt đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo của tỉnh Bình Dương và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thành quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bình Dương hiện là địa phương có nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao nhất cả nước, đồng chí Huỳnh Thành Đạt cho rằng, với tiềm lực và quyết tâm của tỉnh, Bình Dương sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, Hội thảo mang tính thực tiễn, rất gần gũi với đời sống người dân về nông nghiệp công nghệ cao và  ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, góp ý, khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời bày tỏ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trong đó có vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin phải phù hợp với người Việt Nam và điều kiện để mỗi người nông dân, mỗi tổ chức, trang trại tham gia đầu tư mang lại lợi ích thiết thực.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi mong muốn Bình Dương và các trường đại học, các doanh nghiệp, các chuyên gia tiếp tục hợp tác, phát triển khoa học công nghệ, tạo thành chuỗi sản xuất thông qua việc thành lập khu công nghiệp theo vùng để bảo quản, chế biến, đưa sản phẩm nông nghiệp vươn ra thế giới. Đây cũng là nơi để các nhà khoa học đến nghiên cứu, đóng góp cho khoa học và cho ngành nông nghiệp; là nơi kết nối với các doanh nghiệp, viện, trường, đào tạo thực hành cho nông dân...

Dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” tặng10 cá nhân.