Từ những ngày đầu của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) đã xác định là doanh nghiệp phải duy trì sản xuất thông suốt nhằm bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho thị trường. “Người dân còn cần đường, chúng tôi còn sản xuất”, bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch TTC Sugar cho biết đó là quyết tâm của bà khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng để nguồn cung không bị thiếu hụt. Đây không chỉ là nghĩa vụ với người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
Với lực lượng gần 3 nghìn người lao động, SBT đã tổ chức linh hoạt các chế độ làm việc để bảo đảm an toàn cho cán bộ nhân viên. Hầu hết các bộ phận có thể làm việc từ xa đều được chuyển đổi, riêng với các bộ phận bắt buộc vận hành trực tiếp công ty nhanh chóng tổ chức “3 tại chỗ” theo chỉ thị của Chính phủ. Điển hình tại Nhà máy của SBT tại Đồng Nai với hơn 600 cán bộ nhân viên thì 338 nhân sự được tổ chức làm việc “3 tại chỗ” ngay từ ngày 1/6. Các phương án phòng dịch nghiêm ngặt, tổ chức nơi ăn chốn ở đàng hoàng cho người lao động cũng được đơn vị này nhanh chóng triển khai.
Có thể nói, “3 tại chỗ” là phương án phù hợp nhất trong giai đoạn cao điểm nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, “3 tại chỗ” cũng đặt cho doanh nghiệp bài toán khó là có những ngành chi phí vận hành tăng bằng lần. Không chỉ vậy, việc bảo đảm an toàn, phúc lợi và nơi ăn chốn ở thật tươm tất cho người lao động để họ sát cánh cùng công ty là một áp lực không hề nhỏ.
Tuy vậy, theo khảo sát tại 300 doanh nghiệp của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) dưới tác động của dịch Covid-19 có tới 60% lao động đang nghỉ việc, 7% giãn cách, chỉ khoảng 10% sản xuất “3 tại chỗ”. Điều này càng cho thấy những nỗ lực của doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đã giữ lại cho doanh nghiệp được nguồn nhân lực quý giá để phục hồi sản xuất sau đại dịch. Bên cạnh chủ động tiêm chủng cho cán bộ nhân viên để tạo nên lực lượng “công nhân xanh”, công ty cũng duy trì tuân thủ chặt chẽ các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng để thiết lập “nhà máy xanh”, từng bước chuyển từ “3 tại chỗ” thành “3 xanh” thích hợp hơn với điều kiện bình thường mới.
Trong bối cảnh thị trường đường trong nước đang thiếu hụt lớn, sức mua thị trường lớn, vượt quá tồn kho, đại diện đơn vị này cho biết đã nhanh chóng tổ chức hoạt động sản xuất, anh chị em công nhân cũng nỗ lực tăng ca “2 ca 3 kíp” để dây chuyền máy móc hoạt động xuyên suốt liên tục 24/24 giờ… Tính đến nay, sau hơn 1 tháng tái kích hoạt, tình hình sản xuất bình thường mới, doanh nghiệp đã khôi phục, góp phần tích cực trong việc cung ứng hàng hóa cho thị trường. Tiêu biểu như tại nhà máy Đồng Nai, sản phẩm đường túi các loại với mức sản xuất cao điểm cung cấp cho thị trường hơn 200 - 210 tấn đường túi/ngày và đường bao 50kg với mức 165 - 180 tấn/ngày cũng được xuất xưởng liên tục.
Một vấn đề khác là mùa vụ thu hoạch mía cũng bắt đầu diễn ra tại các vùng nguyên liệu của SBT, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người nông dân cũng gặp những khó khăn rất lớn trong công tác chăm và sóc thu hoạch mía. Để bảo vệ thành quả của người nông dân trong suốt một năm, SBT đã triển khai lập kế hoạch thu hoạch: sắp xếp lịch, ký kết với công thợ, xe thu hoạch, xe vận chuyển… để bà con yên tâm trong giai đoạn quan trọng của mùa vụ.
Song song thu hoạch là công tác chuẩn bị trồng mới vụ Đông Xuân cũng được công ty triển khai đa dạng đến bà con nông dân. Không có nhiều cơ hội để tiếp xúc, nên đội ngũ khuyến nông của SBT đã sáng tạo những sản phẩm truyền thông để truyền tải đầy đủ chính sách đầu tư của công ty đến nông dân một cách kịp thời.
Thích ứng linh hoạt, chủ động thay đổi để sống chung cùng Covid-19, SBT đang đi đúng hướng không chỉ trên hành trình phục hồi sản xuất mà còn trong việc nắm bắt những vận hội mới trong “bình thường mới”.