Saudi Arabia – Việt Nam: Chiến thuật phòng ngự vì mục tiêu 1 điểm

NDO -

Tuyển Việt Nam bước vào chặng leo núi khắc nghiệt nhất của vòng loại World Cup 2022 với bất lợi về lực lượng và những bài học lớn từ UAE. Muốn mang về 1 điểm từ tay chủ nhà Saudi Arabia, HLV Park Hang-seo không có nhiều lựa chọn ngoài lối chơi phòng ngự.

Saudi Arabia – Việt Nam: Chiến thuật phòng ngự vì mục tiêu 1 điểm

UAE và những bài học lớn

Tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022 là một chiến công lịch sử, nhưng chúng ta thực sự đã gặp may khi rơi vào bảng đấu giống như một AFF Cup thu nhỏ, nơi Thái Lan tự suy yếu trong triều đại ngắn ngủi của HLV Akira Nishino, còn Indonesia và Malaysia như thường lệ, vẫn lép vế trước thầy Park. Đối thủ đẳng cấp châu lục duy nhất mà thầy Park đối mặt là UAE, nhưng họ cũng chỉ tìm lại chính mình ở trận lượt về.

Đó là trận đấu mà UAE cần thắng để tự quyết tấm vé của mình, HLV kỳ cựu Bert Van Marwijk đã tung ra những quân bài “uy tín” nhất và một lối chơi biến hoá. Tuyển Việt Nam nhờ vậy có được một thước đo đầy chất lượng, trước khi tiến vào vòng loại cuối cùng. Từ thước đo ấy, HLV Park Hang-seo hình dung được các học trò của ông sẽ đá thế nào trước nhóm hàng đầu châu Á.

Không phải trận đấu ở Mỹ Đình lượt đi, nơi Tiến Linh ghi siêu phẩm 25m còn UAE thất bại trong thế thiếu người. Cũng không phải 10 phút cuối ở Zabeel lượt về, khi Minh Vương và ý chí quật khởi giúp chúng ta có liên tiếp 2 bàn gỡ khiến UAE sửng sốt. Mà phải là 20 phút thảm hoạ ông Park chứng kiến từ khán đài, để thấy Tấn Trường thủng 3 bàn chóng vánh, để thấy khu trung tuyến mong manh xộc xệch và hệ thống phòng thủ đầy lỗ hổng… 

3 bàn thua đến theo những cách khác nhau, một cú sút chéo góc, một quả phạt đền, một pha dứt điểm cận thành, nhưng kịch bản chung là những đường bóng rót vào khoảng trống phía sau lưng trung vệ tuyển Việt Nam. Đỗ Duy Mạnh mắc lỗi vị trí 2 lần, lần còn lại là sự lỏng lẻo của Bùi Tiến Dũng và Đoàn Văn Hậu. Sơ đồ 3 trung vệ mà ông Park đầy hy vọng, đã không thể bọc lót cho nhau khi các cầu thủ UAE tỉa bóng điểm rơi quá chuẩn và di chuyển không bóng quá nhanh.

Saudi Arabia – Việt Nam: Tử thủ vì 1 điểm -0

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự vụn vỡ ấy nằm ở hàng tiền vệ. Bộ đôi Lương Xuân Trường và Nguyễn Hoàng Đức không đủ vững để tạo ra lá chắn từ xa, cả hai đều thiên về kỹ thuật mà thiếu đi sự quyết liệt cần có ở một vị trí “dọn dẹp”. 

Khi Trường và Đức thất thế trong tranh chấp, bế tắc trong triển khai bóng thoát pressing, cộng thêm hai cánh của Văn Hậu và Trọng Hoàng không thể dâng cao, Văn Đức, Quang Hải, Tiến Linh bị chia cắt và trở nên vô hại. 

Không thể tổ chức những đợt phản công, tuyển Việt Nam chỉ còn cách căng mình chống đỡ sức ép dồn dập của đội chủ nhà, và các bàn thua là hệ quả tất yếu của một lối chơi bị động. Số bàn thua thậm chí còn chưa phản ánh đúng tần suất sai sót của học trò thầy Park. Những sai sót dạng này đã từng xuất hiện trước Indonesia, Malaysia trước đó, nhưng phải gặp một đối thủ tầm cao, chúng ta mới nếm đòn trừng phạt.

Cả ông thầy Hàn Quốc, các tuyển thủ và người hâm mộ đều đón nhận những đòn trừng phạt ấy bằng góc nhìn cầu thị. May mắn là nó đến mà không làm hỏng hành trình đi tiếp của tuyển Việt Nam, đồng thời giúp chúng ta có cái nhìn chân thực nhất về những hạn chế nội tại của mình. UAE không khác gì một kỳ thi thử để tuyển Việt Nam làm quen dần với không khí của “chiếu trên”, mà Saudia Arabia là một bài test có độ khó còn cao hơn nữa.

Khi thầy Park thiệt quân

Saudi Arabia – Việt Nam: Tử thủ vì 1 điểm -0

HLV Park Hang-seo thừa nhận mang quân đến sân Mrsool Park ở thủ đô Ryadh chỉ mong kiếm một trận hoà. Suốt thời gian tập trung đội tuyển vừa qua, ông Park dày công gia cố hàng phòng ngự với toan tính giữ sạch lưới càng lâu càng tốt. 

Nhưng không phải mọi diễn biến đều thuận lợi cho nhà cầm quân vốn rất mát tay này. V-League chấm dứt giữa chừng vì dịch bệnh khiến các cầu thủ không có cảm giác thi đấu là một chuyện. Nhưng những chấn thương đua nhau xảy đến lại là chuyện khác nghiêm trọng bội phần.

Bùi Tiến Dũng bất chợt rách cơ hôm 25/8 khiến giai đoạn chuẩn bị cuối cùng của ông Park bị xáo trộn rất nhiều. Trung vệ người Hà Tĩnh đá chính liên tục 15 trận kể từ tháng 1/2019 đến nay, nhưng Ban huấn luyện bây giờ buộc phải chấp nhận vắng anh ít nhất 2 trận (gặp Saudi Arabia và Australia). 

Chuỗi trận không thể thay thế của Bùi Tiến Dũng bắt đầu khi Trần Đình Trọng - chốt chặn ưa thích nhất của thầy Park buộc phải nghỉ tập để điều trị hàng loạt vấn đề (rạn xương mác, mẻ xương bàn chân, đứt dây chằng gối…). Đã hơn 2 năm, cứ khi nào Đình Trọng tương đối hồi phục, anh lại được gọi lên tuyển và sau đó trả về với vết đau thêm dai dẳng.

Lần này cũng vậy, Đình Trọng phải tập riêng cho đến ngày 26/8, nhưng 2 ngày sau, anh vẫn có tên trong chuyến bay sang Tây Á. Có lẽ ông Park mang Đình Trọng theo như một sự trấn an nhiều hơn là phục vụ chuyên môn, bởi một trung vệ chưa sung sức thật khó giúp sức cho đội trong hoàn cảnh hiện nay.

Những người sát sao với tuyển Việt Nam thì rất cảm thông cho quyết định có phần gượng ép này của thuyền trưởng Park. Vì trước khi mất Bùi Tiến Dũng, ông cũng đã phải chia tay Đoàn Văn Hậu ở thế chẳng đặng đừng. 

Ông Park từng mong mỏi mang Hậu đến Saudi Arabia, dù chỉ để anh ngồi dự bị. Nhưng điều ước nhỏ nhoi ấy cũng không thành. Hậu buộc phải ở nhà để điều trị chuỗi chấn thương đã cắt vụn sự nghiệp của anh thành những quãng nghỉ triền miên. 

Cầu thủ quê Thái Bình mới 22 tuổi, nhưng nếu không chữa dứt điểm sụn chêm và những hệ luỵ mà nó gây ra, cái giá phải trả đối với anh sẽ là rất đắt. Ông Park không thể đánh cược mãi với tương lai của cậu học trò cưng, nhất là trong bối cảnh Hậu được trao cơ hội ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 nhưng không đạt phong độ thuyết phục.

Danh sách những người có thể đá trung vệ trong tay HLV Park Hang-seo ngày càng thu hẹp lại. Ông sẽ phải cầu mong không có điều gì tệ hơn xảy đến với Nguyễn Thành Chung, người chuyên dự bị nhưng nay gần như chắc chắn phải ra sân. Trung vệ CLB Hà Nội cũng mới bình phục chấn thương và trở lại tập luyện gần đây.

Hàng hậu vệ sứt mẻ, trong khi ở hàng tiền vệ, Minh Vương cũng bất ngờ vào phút chót bị gạt lại bởi tổn thương dây chằng chéo. Nhân tố mới cứu vãn cả trận đấu trên đất UAE giờ cũng phải sớm tạm biệt cuộc chơi, trong khi lời hứa trở lại của Đỗ Hùng Dũng chưa thực hiện được.

Hùng Dũng, trong ngày phẫu thuật thành công, đã nói với HLV Park Hang-seo rằng nếu tuyển Việt Nam vào vòng loại cuối cùng World Cup, anh sẽ kịp hồi phục. Nhưng lúc này, tiền vệ trụ hay nhất của bóng đá nội mới vừa bỏ nạng để tập chạy những bước ban đầu.

Nếu có tin tức gì đó tốt lành cho ông Park thì đó là Tiến Linh đã hoàn toàn mạnh mẽ. Trung phong cắm Bình Dương bị đau ở đầu đợt tập trung, nhưng sang đến Saudi Arabia, anh đã đạt trạng thái sẵn sàng.

Nhân sự nào cho lối chơi phòng ngự?

Saudi Arabia – Việt Nam: Tử thủ vì 1 điểm -0

Thất bại trước UAE chỉ ra rằng tuyển Việt Nam chưa ở đẳng cấp đủ tạo dựng một thế trận ngang cơ các đội bóng lớn của châu lục. Cứ cho rằng đó là trận đấu mà trợ lý Lee Young-jin cầm quân, nhưng ngay cả khi có thầy Park và lực lượng tinh nhuệ nhất, chúng ta cũng thật ít hy vọng sẽ chơi sòng phẳng với Saudi Arabia, đang xếp cao hơn UAE 7 bậc trên bảng xếp hạng FIFA (61-68).

3 bàn thua chóng vánh trong thế trận tưởng như sẽ vỡ là điều hiếm khi xảy ra với các đội tuyển Việt Nam dưới tay thầy Park. Trước đó, chỉ có 2 trận ông Park thua 3 bàn (1-3 trước U23 Hàn Quốc tại Asiad 2018 và 2-3 trước Iraq tại Asian Cup 2019). Nhưng những con số có ý nghĩa riêng của nó: ông Park thực sự thất thế khi gặp các đối thủ chiếu trên.

Bản thân ông cũng có một nỗi lo, làm thế nào để không bị… mất mặt khi đá vòng loại thứ 3, nơi các ông lớn giành nhau quyết liệt những tấm vé đi World Cup. Ông chia sẻ nỗi lo đó một cách thật thà và bình thản, để rồi đưa ý đồ phòng ngự triệt để vào các buổi tập của tuyển Việt Nam.

Trước Saudi Arabia, không thể chọn một giải pháp lững lờ giữa công và thủ. Một hàng tiền vệ với trái tim là Xuân Trường – Hoàng Đức chỉ phù hợp khi chơi ở Đông Nam Á, trong thế trận tấn công. Nếu giữ lại một trong hai cái tên đó, ông Park cần có Tuấn Anh trong vai trò phán đoán, can thiệp vào điểm nóng để thu hồi hoặc phá vây. 

Nhiều khả năng tuyến tiền vệ sẽ được gia cố thêm một máy quét có tính chiến đấu cao hơn nữa. Ban đầu, cơ hội dành cho Đỗ Duy Mạnh, bởi anh thường xuyên đá trụ ở CLB Hà Nội thời HLV Chu Đình Nghiêm. Đôn Duy Mạnh lên, trám Thành Chung vào trung vệ lệch phải là giải pháp ông Park từng ưa thích, nhưng nó phá sản ngay khi Bùi Tiến Dũng chấn thương. 

Khi ấy, cơ hội dành cho Phạm Đức Huy là rõ nhất, và người phải hy sinh vị trí có lẽ là Phan Văn Đức. Thời gian gần đây, phong độ của Văn Đức không cao, và việc ông Park xếp tiền vệ công xứ Nghệ đá chính không phải lúc nào cũng được ủng hộ.

Theo logic ấy, tuyển Việt Nam sẽ có 3 tiền vệ đánh chặn, và người duy nhất thiên hướng tấn công là Quang Hải. Ở trận gặp UAE, cầu thủ Hà Nội đá quá thấp, không phát huy được sở trường đột biến trong vòng cấm đối thủ. Việc có thêm một tiền vệ phòng ngự sẽ giải phóng bớt gánh nặng cho Hải và giúp anh liên kết tốt hơn với Tiến Linh, người đã được HLV Herv Renard đánh dấu “đặc biệt chú ý” trong sổ tay vì khả năng săn bàn đều đặn.

Thầy Park còn một lựa chọn để sử dụng tuỳ thời điểm, đó là Văn Toàn. Ông Park không đưa Công Phượng đi cùng, bởi với một đối thủ có kỹ thuật tốt như Saudi Arabia, tốc độ của Văn Toàn lợi hại hơn, và khi Toàn có bóng, cả đội có thể nhanh chóng kết thúc pha phản công để chuyển trạng thái về phòng ngự.

Saudi Arabia – Việt Nam: Tử thủ vì 1 điểm -0

Phòng ngự, phòng ngự và phòng ngự, đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm trên thánh địa của Saudi Arabia. Một UAE phiên bản nâng cấp với 8 cầu thủ từng dự World Cup 2018 sẽ rất ít uy hiếp chúng ta bằng bóng bổng. Họ có thừa kỹ năng và nhân lực để phối hợp, ban chuyền, phá vỡ khối phòng thủ của bất cứ đối thủ nào ở châu lục.

Chân sút đáng sợ nhất của ông Herv Renard là Salem Al Dawsari chỉ cao 1m73, và cũng không phải là tiền đạo. Anh chơi rộng khắp mặt sân, có kỹ năng xử lý bóng khéo léo trong vòng cấm. Một Quang Hải của Tây Á, vì vậy, điều quan trọng là phải cắt đứt những đường tỉa bóng về hướng di chuyển của Al Dawsari, người đã có 5 bàn thắng, 1 kiến tạo ở vòng loại World Cup lần này.

Tuy nhiên, đội chủ sân Mrsool còn nhiều mũi nhọn khác mà ông Park không thể không đề phòng. Fahad Al Muwallad và Salman Al Faraj đều ghi được 4 bàn, trong đó Al Muwallad với chiều cao 1m67 không thể so sánh về hình thể với các trung vệ tuyển Việt Nam nhưng lại nhanh khủng khiếp và thường xuyên cầm bóng đột phá, tạo không gian cho đồng đội.

Đó là lý do vì sao ông Park để ở nhà Bùi Hoàng Việt Anh, một trung vệ đích thực cao đến 1m87. Thứ mà ông cần ở Duy Mạnh – Ngọc Hải – Thành Chung và hai vị trí bám biên – Trọng Hoàng, Hồng Duy, các cầu thủ “xe bus” lúc này là khả năng xoay sở, đeo bám và đọc tình huống tốt. Nếu không đọc trước tình huống, thật khó để chúng ta theo được tốc độ chơi bóng của đối phương.

Thống kê cho thấy Saudi Arabia ghi nhiều bàn nhất (27,3%) trong khoảng 15 phút cuối. Đó là lúc các tuyển thủ Việt Nam có thể đã thấm mệt trước khí hậu khắc nghiệt và sức ép từ đối thủ. Trụ vững được đến tiếng còi mãn cuộc đòi hỏi ông Park phải truyền được cho học trò thần kinh thép và tận dụng các quyền thay người hợp lý. Trong tay ông còn những quân bài bí ẩn như Tuấn Hải, Tiến Anh…, những người cần cơ hội để bước ra ánh sáng.

Thủ môn Bùi Tấn Trường đã chơi hay, góp phần không nhỏ đưa tuyển Việt Nam vào đến vòng loại cuối cùng này. Nhưng với thói quen dùng người từ trong “ký ức” của thầy Park, nhiều khả năng Đặng Văn Lâm sẽ trở lại khung gỗ, bất chấp thời gian qua, anh hầu như chỉ tập chay mà không thi đấu đỉnh cao tại Cerezo Osaka. Nếu tin tưởng Văn Lâm, ông Park đang chơi một canh bạc thật sự cho vị trí gác đền. 

Saudi Arabia – Việt Nam: Tử thủ vì 1 điểm -0
Saudi Arabia – Việt Nam: Tử thủ vì 1 điểm -0