Sau 2 tuần diễn ra liên hoan, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng, gồm: Giải vở diễn có 6 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 8 huy chương đồng; Giải diễn viên có 40 huy chương vàng, 46 huy chương bạc, 19 huy chương đồng.
Theo đó, 6 vở huy chương vàng gồm: Mưa bóng mây (Công ty TNHH Giải trí Hero Flim); Bao giờ mẹ lấy chồng (Công ty cổ phần dịch vụ truyền thông quảng cáo Sài Gòn Phẳng); Câu hò đất mẹ (Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Phiêu Linh); Khóc giữa trời xanh (Công ty cổ phần Sử Việt); Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ, Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh); Thành phố tình yêu (Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải tác giả xuất sắc nhất (Nguyễn Thanh Bình, vở Mưa bóng mây); đạo diễn xuất sắc nhất ( Huỳnh Công Duẩn, vở Câu hò đất mẹ); họa sĩ xuất sắc (Trần Hồng Vân, vở Khúc nguyệt cầm) và nhạc sĩ xuất sắc (NSƯT Hồ Văn Thành, vở Thành phố tình yêu).
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao bằng khen Nhà thiết kế xuất sắc cho họa sĩ Sỹ Hoàng (vở Khóc giữa trời xanh) và diễn viên nhỏ tuổi nhất tại liên hoan cho bé Gia Huy (vở Lạc giữa biển người).
Theo Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2021, các đơn vị tham gia liên hoan lần này cho thấy nỗ lực rất lớn của sân khấu phía nam, lòng yêu nghề của nhiều thế hệ diễn viên luôn khao khát tìm tòi, sáng tạo cho dù đang trong cơn đại dịch Covid-19 hoành hành. Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao những nội dung kịch thể hiện có nghề, diễn đạt ý tưởng rõ ràng, sâu sắc trong tìm tòi nghệ thuật, hình thức, nội dung phù hợp. Bên cạnh những tác phẩm được đầu tư đủ để tạo nên hình thù của tác phẩm còn có một số tác phẩm được đầu tư cao nhằm tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ cao trong trang trí, phục trang... rất lạ nhưng không mất tính dân tộc.
Cũng theo NSND Trần Minh Ngọc, ngoài các tác phẩm mang đề tài lịch sử, liên hoan lần này cho thấy việc miêu tả các số phận người yếu thế, nghèo về vật chất nhưng rất giàu về tình cảm, sẵn sàng chia sẻ đối với người yếu thế, người nghèo khổ là thế mạnh của sân khấu kịch phía nam. Nhiều câu chuyện cảm động như “Thành phố tình yêu”, “Sự sống”, “Lạc giữa biển người”, “Sài Gòn có một ngã tư” đã thể hiện trọn vẹn chất nghĩa tình ấy.
Phát biểu bế mạc liên hoan, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo liên hoan, biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã dành sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn đã đưa tới Liên hoan nhiều vở diễn có chất lượng. Nhiều đơn vị phải cố gắng vượt bậc để có vở diễn tham gia Liên hoan là một điều đáng mừng, đáng trân trọng.
“Bên cạnh đó, liên hoan cũng cho thấy rõ sự chênh lệch về trình độ chuyên môn giữa những diễn viên được đào tạo bài bản, chính quy với những diễn viên chỉ được học ở các trung tâm hoặc chưa qua một lớp đào tạo nào. Việc này đòi hỏi Ban Tổ chức cần có Quy chế phù hợp để bảo đảm và nâng cao tính chuyên nghiệp cho các cuộc liên hoan lần sau”, ông Tạ Quang Đông nhận định.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2021 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh quy tụ sự tham gia của 20 đơn vị nghệ thuật với 26 tác phẩm. Đây là cố gắng lớn của các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, địa phương chịu tổn thất vô cùng nặng nề, mọi hoạt động văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ do dịch Covid-19 vừa qua.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động nghệ thuật luôn được công chúng yêu nghệ thuật mong đợi, là điều kiện thuận lợi cho diễn viên và các đơn vị nghệ thuật kịch nói trong và ngoài công lập được giao lưu, trao dồi thêm về nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật trên lĩnh vực kịch nói.