Sáu tháng đầu năm, ước tính tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,3%

NDO -

Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước sáu tháng đầu năm ước tính là 2,3%.

Sản xuất theo quy định giãn cách tại công ty Tabuchi, khu công nghiệp Đại Đồng, Hoàn Sơn, Bắc Ninh (Ảnh minh họa: Thái Sơn).
Sản xuất theo quy định giãn cách tại công ty Tabuchi, khu công nghiệp Đại Đồng, Hoàn Sơn, Bắc Ninh (Ảnh minh họa: Thái Sơn).

Lao động - việc làm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung sáu tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51 triệu người, tăng 737,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sáu tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 68,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 ước tính là 45,1 triệu người, giảm 50,2 nghìn người so với quý trước và tăng 823,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lao động nam 24,9 triệu người, chiếm 55,2% tổng số và lao động nữ 20,2 triệu người, chiếm 44,8%. Lao động khu vực thành thị là 16,9 triệu người, chiếm 37,6% và khu vực nông thôn là 28,2 triệu người, chiếm 62,4%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 45,2 triệu người, giảm 90,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Còn lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,9 triệu người.

Con số này bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,9% tổng số, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,4 triệu người, chiếm 32,8%, tăng 0,5%; khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 39,3%, tăng 2,4%.

Sáu tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 2,3% -0
Tổng quan về lao động - việc làm sáu tháng đầu năm 2021 (Nguồn: GSO). 

Cơ quan thống kê quốc gia nhận định, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý II năm 2021 chịu ảnh hưởng. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng .

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước sáu tháng đầu năm ước tính là 2,3% (quý I là 2,19%; quý II là 2,4%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,07%; khu vực nông thôn là 1,86%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm ước tính là 2,52% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,28%; khu vực nông thôn là 2,07% . Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) sáu tháng ước tính là 7,45%, trong đó khu vực thành thị là 9,97%; khu vực nông thôn là 6,22%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm nay là 2,2%; quý II là 2,6%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,64%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,54%. Tỷ lệ thiếu việc làm sáu tháng đầu năm 2020 tương ứng là 2,33%; 1,70%; 2,65%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản  quý I/2021 là 57,1%; quý II ước tính là 57,4%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 57,2%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II năm nay là 6,8 triệu đồng/tháng, giảm 410,8 nghìn đồng so với quý trước và tăng 454,6 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung sáu tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 7 triệu đồng/tháng, tăng 281,7 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nỗ lực hỗ trợ người lao động

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lao động việc làm trong sáu tháng đầu năm được duy trì so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động và thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương giữ được ổn định.

Cũng theo cơ quan này, kinh tế nước ta trong sáu tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, cần chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp.

Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết số 42 năm 2020 của Chính phủ. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào ba nhóm chính.

Nhóm thứ nhất: các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Nhóm thứ hai: hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền.

Nhóm thứ ba: chính sách hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại.