Sâu sát cơ sở, giải quyết thấu đáo ý kiến, kiến nghị của cử tri

Đổi mới về phương thức, hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; chú trọng việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đang tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tạo được niềm tin trong nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai kiểm tra công trình nước sạch nông thôn ở xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa).
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai kiểm tra công trình nước sạch nông thôn ở xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa).

Trong năm 2022, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 71 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh (trực tuyến và trực tiếp) với hơn 6.687 lượt cử tri tham dự, trong đó có hai cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề gồm "Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với trẻ em tỉnh Gia Lai năm 2022" và "Hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh".

Tăng cường tiếp xúc và đối thoại

Qua tiếp xúc, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổng hợp 70 kiến nghị, trong đó, có 10 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để tổng hợp chuyển đến các kỳ họp của Quốc hội khóa XV; 58 kiến nghị chuyển đến UBND tỉnh xem xét giải quyết, trả lời cử tri tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định, một số kiến nghị chuyển đến các đơn vị, cơ quan chuyên môn để xem xét giải quyết.

Ngay từ đầu năm, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và xếp lịch tiếp công dân năm 2022 cho từng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức 12 cuộc tiếp công dân, có 28 lượt công dân trực tiếp đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với 24 vụ việc chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng công dân chưa thống nhất với kết quả giải quyết.

Qua theo dõi, giám sát, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết xong 15 trong số 24 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại các cuộc tiếp công dân; còn 9 vụ việc đang được các cơ quan chức năng tham mưu giải quyết theo quy định.

Trong năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành hai nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Sát dân, am hiểu cơ sở

Gia Lai là nơi cư trú của 34 dân tộc anh em, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán vì vậy cũng có nhiều điểm khác nhau.

Cán bộ, công chức công tác ở địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần nắm bắt về văn hóa, luật tục của từng tộc người để xây dựng chính sách phù hợp.

Vì vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân với vị trí của mình, vấn đề này càng đòi hỏi cao hơn khi về cơ sở, tiếp xúc cử tri, tuyên truyền, giải thích, phổ biến pháp luật và làm cầu nối giữa chính quyền với người dân.

Khắc phục tình trạng một số đại biểu Hội đồng nhân dân không hiểu tiếng bản địa, những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm đào tạo tiếng dân tộc tại chỗ cho cán bộ, công chức, viên chức...

Vì thế, đến nay các đại biểu Hội đồng nhân dân đã có thể giao tiếp với cử tri bằng hai thứ tiếng. Đây là thuận lợi cơ bản dẫn đến thành công trong hoạt động tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân các cấp.

Mặt khác, trong cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỉnh đã chú trọng những đại biểu là người địa phương. Hiện, toàn tỉnh Gia Lai có 2.635 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là người dân tộc thiểu số (chiếm gần 41%).

Việc tiếp cận, nắm bắt thấu tình, đạt lý tâm tư, tình cảm của người dân, không ai khác chính là các đại biểu Hội đồng nhân dân người dân tộc thiểu số đối với đồng bào mình.

Theo bà Ayun HBút, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, đối với địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khi tiếp xúc cử tri có nhiều trở ngại do trình độ dân trí thấp, nhiều người không thông thạo tiếng phổ thông cho nên khó thể hiện tâm tư, đề đạt nguyện vọng của mình. Vì vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân cần sát dân, am hiểu cơ sở mới giải thích thấu đáo để dân hiểu, dân tin; đôi lúc phải vận dụng một số luật tục để giải thích, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho dân.

Do một bộ phận nhân dân trình độ nhận thức chưa cao, đại biểu không đơn giản chỉ lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc mà phải đối thoại, tranh thủ diễn đàn để giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước với cử tri.

Không chỉ có vậy, đại biểu định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu ý kiến để nắm bắt được thông điệp từ cử tri và chọn lựa cách giải thích để cử tri hiểu đúng, đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời giải tỏa được băn khoăn, vướng mắc cử tri nêu.

Về thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri, do địa bàn rộng, phân tán, điều kiện đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa; mặt khác theo tập quán canh tác, cư dân bản địa thường làm nương rẫy xa nhà, thời gian đi nương khoảng từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối, có khi đi 2-3 ngày mới về. Đó là chưa kể, về mặt tâm lý và thói quen, khá nhiều cử tri ngại đến chỗ đông người... cho nên việc tiếp xúc cử tri trong giờ hành chính khó đem lại hiệu quả cao.

Nắm bắt đặc điểm này, Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp Ủy ban Mặt trận các cấp bố trí thời gian tiếp xúc cử tri phù hợp tùy từng mùa vụ, thời tiết như: Tổ chức tiếp xúc cử tri sau mùa vụ (khoảng từ tháng 5), hoặc tiếp xúc cử tri vào buổi tối (vào mùa khô).

Ngoài ra, về địa điểm Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo không nhất thiết tiếp xúc cử tri ở trụ sở xã mà có thể ở nhà rông, ở nhà già làng, hoặc tại khu vực có sân rộng trong làng.

Cách thức tổ chức là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri. Một trong những thành công trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri Gia Lai thời gian qua là do đại biểu Hội đồng nhân dân đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, tiếp xúc đột xuất với cử tri, đeo bám những vấn đề cử tri quan tâm để giải quyết những vấn đề, vụ việc nổi cộm, bức thiết thậm chí là gây bức xúc trong nhân dân như: Thiếu đất, bố trí đất tái định canh cho đồng bào dân tộc thiểu số (làng Kênh Chông, xã Ia Le, huyện Chư Pưh); vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai Dự án đường Trường Sơn Đông (thị xã Ayun Pa); quy hoạch suối Hội Phú (Pleiku); vấn đề quy hoạch thủy điện (huyện Ia Grai); vấn đề sạt lở; xây dựng hệ thống thủy lợi (huyện Krông Pa); việc triển khai Dự án nhà máy cồn, nhà máy xử lý rác thải (thị xã An Khê)… Qua đó, các đại biểu đã giải thích, hướng dẫn, đồng thời có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết những việc cử tri nêu, được đông đảo cử tri đánh giá cao.

Ông Đinh Hữu Tư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) cho biết, những hội nghị tiếp xúc cử tri do Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức, dần dần đi vào thực chất; các đại biểu sau khi lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đều đi thẳng vào vấn đề khi trả lời; những vấn đề trong thẩm quyền giải quyết ngay; những vấn đề khác đều được phản ánh trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, tỉnh và các kỳ họp Quốc hội.

"Việc tiếp xúc cử tri, nói để dân hiểu, dân tin và làm theo hiện nay rất cần thiết. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Gia Lai đã làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động đồng bào cảnh giác với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; làm theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc".

AYUN HBÚT Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai