Sau kiểm toán, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK tăng hơn 30 tỷ đồng

NDO - Báo cáo tài chính bán niên 2023 soát xét của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ tại các chỉ số tài chính và kết quả hoạt động do yêu cầu của đơn vị kiểm toán độc lập về việc điều chỉnh phân loại các nghiệp vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK tăng hơn 30 tỷ đồng sau kiểm toán.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK tăng hơn 30 tỷ đồng sau kiểm toán.

Cụ thể, sau kiểm toán, tổng tài sản của ABBANK tại cuối quý II/2023 đạt 154.346 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với trước kiểm toán, do bổ sung thêm 2,3 tỷ đồng trong bút toán các khoản phải thu.

Tại bảng kết quả kinh doanh, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK sau kiểm toán tăng hơn 30 tỷ đồng, đạt 745 tỷ đồng do điều chuyển theo ý kiến kiểm toán từ mục Thu nhập từ hoạt động khác.

Các chỉ số khác trong báo cáo bán niên soát xét không thay đổi, theo đúng báo cáo tài chính Quý II/2023 đã công bố. Lợi nhuận trước thuế theo đó vẫn giữ ở mức 638 tỷ đồng. Vốn điều lệ của ABBANK đạt 10.350 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo hướng dẫn tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ABBANK kiểm soát ở mức 2,86%, bảo đảm tuân thủ quy định. Các khoản nợ xấu đều được đảm bảo bằng tài sản có giá trị.

Đối với kế hoạch cải thiện hiệu quả kinh doanh, ngân hàng đang dồn lực thực hiện các hành động nhằm tăng số dư CASA; tăng trưởng tín dụng gắn với an toàn chất lượng tín dụng; tiếp tục sát sao trong công tác kiểm soát, quản trị, thu hồi và xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, bám sát diễn biến và phối hợp, tuân thủ chặt chẽ các chính sách điều hành kinh tế, tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; quản trị chi phí hoạt động nói chung và chi phí nhân viên nhân viên nói riêng hiệu quả, hợp lý nhằm tương xứng với năng lực, giữ chân và thu hút nhân tài.

Chia sẻ về chiến lược cho các tháng cuối năm, đại diện ABBANK cho biết: ABBANK sẽ tiếp tục theo sát chiến lược “Khách hàng là trọng tâm”.

Trong ngắn hạn, Ngân hàng phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, từ đó, chuyển sang phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Về dài hạn, ABBANK sẽ tiến tới chia sẻ cơ hội kinh doanh với khách hàng theo các cấp độ: Lấy khách hàng làm trung tâm và Đồng hành cùng khách hàng kinh doanh và kiến tạo ra giá trị mới.

Song song với nhiệm vụ kinh doanh, ABBANK tiếp tục tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng trong đại dịch. Đến cuối tháng 7/2023, ABBANK đã cơ cấu cho gần 200 khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, với dư nợ được cơ cấu đạt hơn 1.000 tỷ đồng.