* Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bão đổ bộ vào đất liền trong sáng 18-9, đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hoa màu và nhà cửa. Ở vùng ven biển Phú Thuận, Thuận An (huyện Phú Vang) xuất hiện triều cường kết hợp gió mạnh, sóng lớn đã làm đoạn bờ biển sạt lở, xâm thực, nhiều nhà tốc mái.
Tính đến 18 giờ chiều 18-9 cho thấy, trên địa bàn tỉnh có một người chết ở xã Phong Thu (huyện Phong Điền) do bị cây gãy đè và 95 người bị thương (trong đó nhiều bị thương nặng); gần 6.800 ngôi nhà bị sập và tốc mái, tập trung TP Huế: 1.306 nhà; thị xã Hương Thủy: 1.459 nhà; thị xã Hương Trà: 7791 nhà; huyện Phong Điền: 2.725 nhà; huyện Quảng Điền: 5833 nhà; huyện A Lưới: hai nhà; huyện Phú Lộc: 95 nhà.
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), sóng biển lớn đã làm khoảng 2km bờ biển qua địa bàn thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 5 đến 10m, đe dọa trực tiếp đến nhà cửa của 64 hộ dân khu vực này. Tại khu vực đầu múi kè đã thi công, liên tục có sóng lớn và triều cường dữ dội trong sáng nay làm nhiều doi cát ở khu vực này liên tục bị sạt. Tình trạng sạt lở chưa dừng hẳn mà ăn sâu vào chân khu vực rừng dương phía trong. Ngoài ra, gió lớn cũng làm nhiều nhà dân ở khu vực Phú Thuận bị tốc mái.
Tại huyện Phong Điền, chính quyền địa phương đang phối hợp cơ quan chức năng thống kê thiệt hại của người dân do cơn lốc xoáy xảy ra vào rạng sáng cùng ngày và huy động lực lượng khắc phục hậu quả tạm thời cho người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình, vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng 18-9, một trận lốc xoáy quét qua địa bàn xã Điền Hòa đã làm 25 ngôi nhà ở các thôn 4 và thôn 11 bị tốc mái, hư hỏng, tỷ lệ thiệt hại khoảng 20 đến 25%. Ngay sau khi cơn lốc đi qua, chính quyền địa phương cùng lực lượng các đoàn thể đã có mặt hỗ trợ các hộ dân thu dọn đồ đạc, dùng bạt xanh giằng các mái nhà lại để tránh thiệt hại nặng khi bão đổ bộ.
“Hiện tại, xã Điền Hòa đã tiến hành di dời các hộ dân có nhà tốc mái, hư hỏng đến nơi có công trình kiên cố, an toàn. Tiến hành rà soát lại tất cả các hộ dân có nhà nguy cơ bị tốc mái, ở vùng xung yếu trong các thôn để gia cố hoặc di dời các hộ dân đến nơi an toàn trước khi bão vào đất liền. Công việc sẽ hoàn thành trước 9 giờ sáng nay”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết.
Nghi nhận của phóng viên cho thấy, do ảnh hưởng của bão số 5, tại TP Huế, sau khi bão số 5 quét qua địa bàn thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, đã gây ra gió lớn và giật mạnh. Tại các tuyến đường trên địa bàn TP Huế, nhiều cây xanh ngã đổ la liệt, gây cản trở giao thông và việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Nhiều trụ điện, trạm biến áp cũng bị gió quật gãy đổ, đường dây diện bị đứt.
Hiện, trên địa bàn có nhiều nhà xưởng, nhà dân bị tốc mái, cây xanh ngã đổ, các lực lượng quân đội, công an và UBND các phường đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão. Trước đó, để bảo đảm an toàn cho người dân, thành phố đã di dời 498 hộ với 1.890 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Ngay sau khi bão tan, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các ngành, các địa phương tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả. Đặc biệt ở khu vực TP Huế, Trung tâm Công viên cây xanh và các lực lượng đã cùng dọn dẹp, xử lý hệ thống cây xanh bị gãy đổ, bảo đảm giao thông đi lại của người dân.
Theo Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC và CHCN) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng với các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn việc cắt tỉa, dọn dẹp cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cây xanh cổ thụ ngã đổ trên đường đã được các cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Công an tỉnh giải phóng thành công; tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông trở lại.
Để kịp thời khắc phục hậu quả của bão, giải phóng mặt bằng trên các tuyến phố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ kịp thời cắt cây, thu dọn cây đổ trên các tuyến đường chính và giúp dân sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái. Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Sau khi bão đi qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động 400 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng, khẩn trương cơ động đến các địa phương bị ảnh hưởng nặng để khắc phục hậu quả giúp bà con sớm ổn định lại cuộc sống. Sau hơn hai tiếng đồng hồ sau, hệ thống cây xanh bị gãy đổ cơ bản được thu dọn.
Hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tiếp tục điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 6 và lực lượng dân quân giúp bà con phường Thủy Châu, Thủy Dương, Thủy Phương thị xã Phú Bài giúp người dân sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái và tiếp tục chỉ đạo dân quân, cán bộ thường trực các địa phương bám địa bàn, sẵn sàng giúp dân khi cần thiết.
* Do ảnh hưởng bão số 5, tại khu vực miền núi cao của tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, kéo dài gây lũ đột ngột làm ngập nhà ở, cuốn trôi gia súc và ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất của người dân tại địa phương.
Tại huyện Tây Giang, mưa lũ đã làm cho tuyến ĐT606 từ xã A Xan đi lên cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm bị sạt lở tại km57+770 đến km57+806, đoạn giáp ranh giữa xã A Xan và Ch'Ơm gây ách tắc giao thông. Lượng đất đá sạt lở ước khoảng 2.500m3.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến đường liên thôn, liên xã gây ách tắc giao thông cục bộ; hơn 100ha lúa nước hè thu bị ngập úng và gần 30 con trâu, bò bị cuốn trôi.
Chính quyền địa phương đã triển khai sơ tán 110 hộ dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND xã Lăng Alăng Rất cho biết, mưa lũ gây ngập 15 ngôi nhà dân, 11 ao cá bị phá vỡ, nhiều khối gỗ làm nhà bị cuốn trôi.
Còn tại huyện Đông Giang, mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại cho người dân nơi đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Hồ Quang Minh cho biết, mưa lớn trên thượng nguồn đã gây lũ đột ngột khiến hơn 30 ngôi nhà của người dân tại các thôn: Tà Vạc, Trao và A Duông (thị trấn Prao) bị ngập. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng kịp thời sơ tán hàng trăm người dân đến nơi an toàn.
Mưa lớn cũng đã gây sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G, và các tuyến đường liên xã; đồng thời cuốn trôi hơn 10 con bò và lợn ở thôn Pho (xã Sông Kôn).
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, hiện các cơ quan chức năng của huyện: Tây Giang và Đông Giang đang huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường huyết mạch nhằm sớm thông tuyến, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; đồng thời khẩn trương rà soát và có kế hoạch sơ tán dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt do lũ quét gây ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
Tại khu vực đồng bằng, do sóng lớn đã làm bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) bị xé toạc bao tải của đoạn kè mềm dài khoảng 500m, làm cát trượt ra biển và nước xâm thực sâu vào đất liền. Để hạn chế thiệt hại, TP Hội An đã huy động lực lượng tổ chức trải vải bạt, cho cát vào bao tải rồi dùng xe cẩu tải triển khai kè chắn đoạn kè nhằm bảo vệ hàng dừa và dãy nhà hàng nằm sát mép biển Cửa Đại…
*Tại Cà Mau, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 đã gây ra mưa lớn kèm dông gió mạnh diện rộng tại hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh trong ngày 18-9…
Thống kê bước đầu từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau, đã có bốn nhà dân bị sập, bốn nhà bị tốc mái và khoảng 30 ha lúa hè thu bị gió lớn làm ngã đổ. Thời tiết xấu còn làm một sà lan (biển số KG 49471) chở vật liệu xây dựng phục vụ công trình bảo vệ đê biển Tây, đang hành trình từ Kiên Giang qua tỉnh Cà Mau bị mắc cạn trên biển. Tuy chưa có giải pháp giải cứu sà lan nhưng rất mai, cả bốn thuyền viên và tài công trên sà lan đã vào bờ an toàn.
Đến tối cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Cà Mau tiếp tục có mưa lớn day dẳng. Tình cảnh trên gây ngập cục tại nhiều nơi. Trên địa bàn TP Cà Mau, đường ngập sâu đã khiến nhiều xe đang lưu thông bị chết máy.
Theo Văn phòng trường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, thiên tai và thời tiết xấu đã làm: Chìm mười tàu cá, một Sà lan, làm 11 người mất tích trên biển; sập 94 căn nhà, tốc mái 631 căn; ngập 1.800m lộ giao thông nông thôn, 30 ha lúa; sạt lở thường xuyên ven biển với chiều dài 105km (đã xử lý 28,5 km); sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài 3.281m, làm hư hỏng 328m lộ bê tông và 30m lộ nhựa, thiệt hại 48 căn nhà..., với tổng thiệt hại về tài sản là hơn 28 tỷ đồng.
* Chiều 18-9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn có bảy người bị thương, bốn người đi rừng hiện chưa về.
Cụ thể, huyện Minh Hóa có hai người bị thương, gồm: Trần Thanh Hoàng (SN 1990) và Trương Đình Nam (SN 1985), đều ở xã Minh Hóa; huyện Quảng Ninh một người là Nguyễn Thế Lộc, ở xã Gia Ninh; huyện Tuyên Hóa bốn người: Võ Văn Thanh (SN 1963, ở xã Thuận Hóa), Đinh Minh Thảo (SN 1979, trú xã Lâm Hóa), Trần Thị Thơm (SN 1974, ở xã Tiến Hóa) và Hoàng Xuân Cát (SN 1956, ở Tiến Hóa) đều bị ngã khi che chắn nhà cửa và chặt cây trước khi bão đến.
Tại huyện Tuyên Hóa, có bốn người Mã Liềng đi rừng chưa về, gồm: Phạm Văn Liệu (SN 1968), Phạm Văn Chanh (SN 1997), Hồ Văn Hiếu (SN 2003) và Hồ Văn Giang (SN 1998), đều ở Bản Cáo, xã Lâm Hóa.
Do ảnh hưởng của gió bão, hệ thống điện ở một số khu vực tại TP Đồng Hới bị hư hỏng, gây mất điện. Hiện, Công ty Điện lực Quảng Bình đang tập trung lực lượng, phương tiện để khắc phục sớm cấp điện trở lại.
Tại hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa có một số ngầm trên các tuyến đường bị ngập, gây chia cắt các bản, như: Pa Chong, Ra Mai, Si, Dộ tà Vơng, Lòm, Cha Oóc và vùng Lòm. Ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, ba bản là Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn cũng bị chia cắt do ngập đường.
Để giúp người dân khắc phục khó khăn, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ khẩn cấp 10 tấn gạo cho hai xã Trọng Hóa và Thượng Hóa để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị cô lập do mưa lũ.
Tại Quảng Bình hiện đang mưa to, dự kiến gây ngập lụt khu vực thấp trũng và các tuyến đường miền núi. UBND tỉnh đang chỉ đạo các huyện, Bộ đội Biên phòng cử lực lượng bám địa bàn để giúp người dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tại các khu vực xung yếu.
* Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, đến 12 giờ trưa nay, 18-9, ảnh hưởng từ cơn bão số 5, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có một người chết do cây đổ tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền; 23 người bị thương (hai người bị thương nặng); 1.664 nhà bị tốc mái; nhiều cây xanh ở TP Huế và các huyện bị đổ ngã. Nhiều cột trụ điện bị gãy đổ, đường dây bị đứt; cắt điện toàn thành phố trước khi bão vào; nhiều đường dây thông tin liên lạc bị đứt.
Hiện nay Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉn, Công an và các ngành, các địa phương đã triển khai lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn tham gia khắc phục thiệt hại.
Tại tỉnh Quảng Bình, có sáu người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa, chặt cây bị trượt ngã; năm ngầm tràn tại các xã Trọng Hóa, Dân Hóa (huyện Minh Hóa) và xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) nước dâng cao gây tắc cục bộ. Bộ độ Biên phòng đã điều 15 chiến sĩ điều tiết giao thông.
Tại tỉnh Quảng Trị, 7 giờ 30 sáng nay, 18-9, tại cầu trà ngã 3 La Lay thuộc xã A Ngo, huyện Đắc Krong và cầu tràn thuộc xã A Vao, huyện Đăckrông nước dâng cao gây ách tắc giao thông, Bộ độ Biên phòng đã điều 15 cán bộ chiến sĩ điều tiết giao thông.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, sáng sớm 18-9, lốc xoáy đã làm tốc mái 75 căn nhà tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân; hiện chính quyền địa phương đang chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả.
Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 đang khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục.
* Do ảnh hưởng bão số 5 gây sóng to, gió lớn khiến một tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị phá nước và chìm trong lúc neo đậu.
Theo đó, rạng sáng 18-9, tàu cá QNg 90457 TS có chiều dài hơn 16 m, công suất 400 CV đăng ký hành nghề lưới rê do ngư dân Nguyễn Văn Chu, ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn làm chủ kiêm thuyền trưởng, trong lúc neo đậu tại vùng nước cảng biển Dung Quất (huyện Bình Sơn) thì bị một cơn gió lớn ập đến gây ra va đập với các tàu cá khác đang neo đậu tránh trú bão tại đây. Cú va đập mạnh khiến tàu cá QNg 90457 TS bị phá nước và chìm.
Nhận tin báo từ quần chúng nhân dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất đã điều động lực lượng cán bộ, chiến sĩ và nhiều tàu thuyền phối hợp ngư dân triển khai công tác cứu nạn. Dù thời tiết trong sáng 18-9 diễn biến phức tạp nhưng lực lượng cứu nạn đã nỗ lực tìm cách trục vớt thành công tàu cá QNg 90457 TS lên khỏi mặt nước, hạn chế thiệt hại cho ngư dân.
Được biết, thời điểm tàu cá QNg 90457 TS bị phá nước và chìm, ngư dân đã rời tàu vào bờ tránh bão nên không thiệt hại về người, nhưng làm chủ tàu bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
* Sáng 18-9, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Hoàng Văn Hà cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn đã xuất hiện trận lốc xoáy kéo dài 20 phút, làm tốc mái 75 ngôi nhà và gây hư hại nhiều tài sản của người dân
Trận lốc xoáy không gây thiệt hại về người nhưng ước tính tài sản bị thiệt hại là khá lớn, ước tính gần 700 triệu đồng.
Trong số những gia đình bị ảnh hưởng, hộ ông Lê Văn Chuyên, ở thôn Bắc Sơn, xã Cương Gián, bị thiệt hại nặng nhất.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền xã Cương Gián đã kiểm tra tình hình, hỗ trợ và động viên bà con khắc phục hậu quả, sửa sang nhà cửa, dọn dẹp cây cối bị gãy đổ.Được biết, cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 5, hơn 200m đê biển ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại, sóng biển tiếp tục vỗ vào chân kè làm đất đá và từng mảng kè bị cuốn xuống nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng thân kè.
* Từ rạng sáng 18-9, nhiều địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã có gió và mưa lớn. Lượng mưa đo được tại huyện miền núi Nam Đông đạt hơn 200mm. Gió to cũng đã làm đổ một số cây xanh, nhiều ngôi nhà, chợ và công trình văn hóa bị hư hỏng.
Tại hai thôn 4, 11 xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế lúc 4 giờ sáng xảy ra lốc xoáy làm sập và tốc mái 25 ngôi nhà. Vùng Ngũ Điền của huyện Phong Điền, nơi tâm bão đi qua, lúc này đã mất điện lưới. Do chủ động sơ tán từ trước nên không người dân nào bị thương. Ngay sau khi có thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ đến giúp người dân bảo vệ tài sản đợi qua bão sẽ tiến hành sửa chữa.
Tính đến 6 giờ sáng nay, toàn tỉnh đã tổ chức di dời gần 4.500 hộ dân ra khỏi khu vực xung yếu. Chính quyền các cấp cùng lực lượng quân sự, dân quân tự vệ tiếp tục kêu gọi, giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
Trước diễn biến của bão, sáng nay, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp khẩn, triển khai lực ứng trực tại các địa bàn xung yếu. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi nhân dân không được chủ quan, các hộ nuôi trồng thủy sản tuyệt đối không được ở lại trên các lồng bè. Người dân không nên ra đường trước và trong thời điểm bão đổ bộ vào đất liền. Tuyệt đối không được chủ quan.