Lần đầu tiên, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một số cơ chế, chính sách trên cơ sở luật định đối với dự án đường vành đai 3 nhằm rút ngắn thời gian, quy trình chi trả đền bù, tái định cư, giải ngân vốn như vận động người dân có đất bị ảnh hưởng trong dự án ủng hộ chủ trương, chấp thuận cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất…
Toàn hệ thống quyết tâm cao độ
Vừa xong công việc bón phân cho mảnh ruộng sau gần một tháng gieo sạ mùa vụ mới, ông Nguyễn Văn Mái, ngụ ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn cầm bộ hồ sơ tranh thủ đến trụ sở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện làm thủ tục nhận tiền đền bù. Diện tích đất nông nghiệp hộ ông Mái phải thu hồi nằm trong dự án đường vành đai 3 được địa phương xác nhận gần 6.100m2, chiếm 1/2 diện tích trên “sổ đỏ”, cũng là 1/2 diện tích đất trồng lúa mà gia đình ông đang canh tác.
Ông Mái cho hay, đất thu hồi của gia đình ông là loại đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm. Nhận thấy giá đền bù hợp lý, các thành viên trong gia đình đều đồng thuận nên ông đồng ý nhận bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện nhanh chóng khởi công dự án trọng điểm quốc gia.
Sau khi giao đất cho chính quyền địa phương, nửa diện tích đất còn lại ông Mái vẫn canh tác lúa vì gia đình ông đã quen công việc đồng áng nhiều đời nay. Trung bình cứ hai vụ lúa, ông Mái thu về 120 triệu đồng, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Cùng người con trai đến nhận tiền bồi thường tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh ngay ngày đầu tiên địa phương chi trả tiền đền bù dự án đường vành đai 3, bà Đặng Thị Mỹ Phượng, ngụ ấp 4, xã Lê Minh Xuân được cán bộ hướng dẫn thủ tục mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền.
Bà Phượng khá bất ngờ vì chỉ chưa đầy một tháng, Ủy ban nhân dân xã niêm yết bảng chiết tính ban đầu cho từng hộ dân thì nay đã được mời lên nhận tiền. Trường hợp của bà Phượng vừa có đất nông nghiệp vừa có đất ở bị thu hồi (3.700m2) tuy chưa đến giai đoạn phải bàn giao mặt bằng nhưng bà tự nguyện bàn giao sớm theo sự vận động của chính quyền địa phương nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ chung mà các địa phương đã cam kết.
Ông Mái, bà Phượng là hai trong số gần 1.740 trường hợp có đất bị thu hồi liên quan dự án đường vành đai 3 vừa được các địa phương chi trả đền bù sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Với gần 2/3 chiều dài nằm trên địa bàn, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xem dự án đường vành đai 3 là dự án kiểu mẫu trên nhiều phương diện, trong đó đền bù giải phóng mặt bằng là thành phần quan trọng được các đơn vị, chính quyền cơ sở vận dụng những cách làm sáng tạo, tâm huyết, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3 hơn 18.900 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến trước ngày 30/6), thành phố dự kiến chi trả khoảng 8.800 tỷ đồng. Các địa phương gồm thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng trước ngày 15/6 năm nay, để sớm bắt tay thi công dự án trọng điểm này.
Theo Nghị quyết số 57/2022/QH15, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 76,34km đường vành đai 3, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.
Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, Lương Minh Phúc - chủ đầu tư dự án đánh giá, với kết quả đang thực hiện, dự án đường vành đai 3 bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng để khởi công trước ngày 30/6.
Tuy nhiên, để giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó có 2.000 tỷ đồng xây lắp trong thời gian ngắn là nhiệm vụ rất lớn, chưa từng có. Với quyết tâm cao độ, cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị bốn địa phương và nhân dân, thành phố tin tưởng nhiệm vụ hết sức khó khăn, thách thức này sẽ hoàn thành.
Nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo
Với tính cấp bách và cấp thiết của dự án, ngày 14/7/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy và Tổ giúp việc triển khai thực hiện hai dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 trên địa bàn thành phố. Ngày 14/10/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ huy, Tổ giúp việc của Ban Chỉ huy triển khai thực hiện dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Trung Trực chia sẻ: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy và Tổ giúp việc đến nay, Thường trực Ban Chỉ huy đã tổ chức gần 50 cuộc họp để kiểm tra tiến độ, kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Tinh thần là Ban Chỉ huy phải tháo gỡ kịp thời những vướng mắc dù nhỏ để hồ sơ ở các địa phương không bị ách tắc hoặc cán bộ giải quyết không bị lúng túng khi xử lý”, ông Trực cho biết.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố thông qua chủ trương cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh được tiến hành vận động người dân có đất bị ảnh hưởng trong dự án ủng hộ chủ trương, chấp thuận cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành Thông báo thu hồi đất trên cơ sở Hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Lãnh đạo chính quyền các cơ sở đều đánh giá đây là cách làm mới, tạo sự chủ động, chưa từng thực hiện đối với các dự án trước đây tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả, toàn thành phố có 1.644 trên tổng số 1.692 trường hợp của dự án đường vành đai 3 cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất, đạt tỷ lệ 97,16%.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chủ trương cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh được tiến hành vận động người dân có đất bị ảnh hưởng trong dự án ủng hộ chủ trương, chấp thuận cho đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành Thông báo thu hồi đất trên cơ sở Hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Lãnh đạo chính quyền các cơ sở đều đánh giá đây là cách làm mới, tạo sự chủ động, chưa từng thực hiện đối với các dự án trước đây tại Thành phố Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Nguyễn Hữu Anh Tứ cho hay: Thủ Đức là địa bàn có các trường hợp bị thu hồi đất nhiều nhất so với 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh (559 trường hợp, diện tích thu hồi hơn 99ha).
Tuy nhiên, nhờ người dân đồng thuận chủ trương của thành phố, đã giúp địa phương hoàn tất đo đạc, kiểm đếm, là cơ sở thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc tiếp theo cho việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Ngoài ra, theo đồng chí Tứ, mức đền bù của dự án đường vành đai 3 cũng được điều chỉnh sát giá thị trường hơn so các dự án khác trên địa bàn thành phố. Thí dụ, tại thành phố Thủ Đức, mức đền bù áp dụng đối với loại hình đất ở cao nhất tại mặt đường Nguyễn Duy Trinh lên tới 73,3 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thành phố chia làm hai giai đoạn thực hiện công tác đền bù là cách làm linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế của dự án đường vành đai 3, qua đó rút ngắn quy trình thực hiện đền bù so luật định, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 1 áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo Điều 67 Luật Đất đai 2013. Giai đoạn 2 áp dụng cho các trường hợp còn lại (các hộ có đất ở không đồng thuận cho thu hồi đất trước theo khoản 2 Điều 67 Luật Đất đai năm 2013). “Đây là cách làm mới so với các dự án khác, có thể tiết kiệm được hơn 90 ngày so kế hoạch đề ra.
Đồng thời, có thể bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để chủ đầu tư khởi công trước ngày 30/6”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực nhận định.
Đối với chính sách tái định cư, Thành phố Hồ Chí Minh cũng bảo đảm điều kiện về chỗ ở tốt nhất cho người dân. Trong trường hợp người dân không đủ điều kiện bồi thường đất ở, sẽ được thành phố cho mua căn hộ tái định cư theo giá quy định, được lựa chọn nơi tái định cư; đồng thời được mua căn hộ tái định cư trả chậm trong thời gian 15 năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi từng kỳ vọng: Dự án đường vành đai 3 là “xung lực” phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mang theo mong mỏi của 20 triệu người dân trong vùng, mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức, xác định đây là dự án “kiểu mẫu” về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để người dân sau khi giao đất cho Nhà nước có nơi ở tốt nhất so với nơi cũ, bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi. Cách triển khai dự án cũng thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy nhanh tiến độ và đạt được sự đồng thuận cao của người dân đối với dự án trọng điểm quốc gia này.