Sau thành công từ bộ sưu tập 1.010 tượng trâu mừng xuân Tân Sửu 2021, năm 2022 tượng hổ chào xuân Nhâm Dần 2022 và 2023 tượng mèo đón xuân Quý Mão 2023, năm Giáp Thìn này, họa sĩ, nghệ nhân trẻ sinh năm 1983 Nguyễn Tấn Phát (Ðường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập sơn mài linh vật rồng đại diện cho năm mới có tên gọi "1.000 tạo tác rồng tiên".
Bên cạnh việc tập trung thể hiện dáng hình, thần thái của linh vật, anh còn khéo léo kết hợp hình tượng rồng với hình tượng tiên theo chủ đề "con Rồng, cháu Tiên" để mang đến tạo hình đa dạng, độc đáo cho tác phẩm, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Ðáng chú ý, 80% bộ sưu tập được nghệ nhân thể hiện theo hình tượng rồng thời Lý bởi theo anh, hình ảnh rồng thời Lý mang vẻ đẹp thuần Việt, chứa đựng những nét riêng không bị hòa lẫn với rồng nước khác. Còn hình tượng tiên được anh lấy cảm hứng từ điêu khắc đình làng truyền thống, với hình ảnh những cô thiếu nữ có đôi cánh cùng gương mặt hồn hậu, dịu dàng. Ðể thể hiện sự hòa hợp rồng - tiên, có tác phẩm tiên được sắp đặt đứng cạnh rồng; có tác phẩm tiên đứng trên lưng rồng; lại có tác phẩm tiên lơ lửng trên không trung như đang chuẩn bị cùng rồng bay lên…
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, bộ sưu tập "1.000 tạo tác rồng tiên" đã được anh dày công chuẩn bị, thực hiện trong suốt hai năm qua. Vẫn tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống, mỗi tượng rồng đều là thành quả sáng tạo của nhiều công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay nghệ nhân, từ lên ý tưởng đến tạo hình, sau đó khảm trai, khảm trứng, khảm đồng, phủ mầu, mài cho bóng, đẹp...
Vì được làm hoàn toàn thủ công nên mỗi sản phẩm đều là độc bản và trung bình cần tới 15-30 ngày mới hoàn thiện. Ðặc biệt, với bộ sưu tập linh vật rồng năm nay, bên cạnh gỗ mít, đá ong - những chất liệu bản địa quen thuộc của vùng đất Sơn Tây đã từng được sử dụng làm tượng hổ, tượng mèo trước đây, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn sử dụng cả kim loại, gốm để tạo nên nét đẹp mới cho những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Anh chia sẻ, lâu nay, rồng vốn được coi là biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn, cũng là linh vật đứng đầu trong tứ linh nên thường được tạo tác gắn với các công trình tâm linh, công trình văn hóa cổ. Với bộ sưu tập của mình, anh có tâm nguyện kéo hình tượng rồng gần gũi hơn với đời sống người Việt. Vì thế, người nghệ nhân tài hoa đã đưa vào nhiều yếu tố cách điệu khi tạo hình rồng, đồng thời gắn cho sản phẩm nhiều công năng sử dụng khác nhau, biến tượng rồng thành lọ hoa, khay, hộp, đèn ngủ..., gia tăng tính ứng dụng của tác phẩm trong không gian nội thất.
Bộ sưu tập rồng năm nay của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng đa dạng hơn nhiều về kích thước, có sản phẩm chỉ nhỏ chừng 10cm x 10cm, nhưng cũng có sản phẩm lớn hơn 1m, 2m. Tác phẩm anh tâm đắc nhất và mất nhiều thời gian thực hiện nhất là bộ ghế rồng độc đáo cao 1,65m, dài hơn 2m được chế tác bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa, thể hiện hình tượng một chú rồng già đang dạy rồng con, 5 móng rồng vững chãi mạnh mẽ, đuôi rồng được tạo hình lá bồ đề, tư thế thân rồng uốn lượn như đang chuẩn bị bay lên, phía trên mình rồng là khoảng không được sắp đặt nhiều hình tượng tiên, thể hiện sự hòa hợp tiên-rồng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh đã dùng khoảng 2.500 lá vàng, tương đương 500g vàng 24k để dát lên ghế rồng. "Tôi lấy ý tưởng từ thuyết "Lão long huấn tử" hiện còn lưu ở bức phù điêu ở đình làng Mông Phụ, làng cổ Ðường Lâm với hình ảnh rồng già một tay cầm bút, một tay cầm sách đang dạy chú rồng con tay cầm quả tú cầu. Với tác phẩm ghế rồng, tôi vừa muốn kể một câu chuyện mang tính bản địa của Ðường Lâm, vừa muốn chuyển tải thông điệp nhân văn về sự trao truyền văn hóa giữa các thế hệ" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.
Hòa trong không khí đón Tết vui xuân, những ngày này, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Vân Hồ, Hà Nội) cũng rộn ràng Hội Xuân Giáp Thìn 2024 với điểm nhấn là Triển lãm gốm phù điêu "Vũ điệu Bách Long" của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên, trưng bày 100 tác phẩm điêu khắc gốm, tôn vinh hình ảnh rồng, một biểu tượng thiêng liêng gắn với cội nguồn "con Rồng, cháu Tiên" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Khách tham quan được thưởng lãm những tác phẩm độc bản đầy tinh tế thể hiện linh vật rồng bằng gốm phù điêu, mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt. 100 tác phẩm, nhưng mỗi rồng được chế tác theo một hình dáng, tư thế khác nhau, biểu hiện sinh động sức mạnh, thần thái uy dũng, tôn nghiêm, vẻ mềm mại, uyển chuyển, vui tươi và cả sự huyền bí, tâm linh.
Các hình tượng rồng được cách điệu về vóc dáng, mang những đường nét, sắc màu gần gũi, thân quen, hòa quyện văn hóa truyền thống với thiên nhiên và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Có những tác phẩm là hình ảnh của bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông điểm xuyết vẻ đẹp của bốn loại cây và hoa tùng, cúc, trúc, mai, ẩn chứa triết lý phương Ðông và các thông điệp ý nghĩa, thể hiện khát vọng bình yên, sức mạnh chinh phục thiên nhiên, đồng thời cũng gửi gắm trong đó ước mong phú quý, mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến và vận hội phát triển của dân tộc và đất nước như thế rồng bay. Các tác phẩm điêu khắc, phù điêu gốm rồng đều lấy men hỏa biến làm chủ đạo, biến hóa lên các nước mầu đa dạng, tôn thêm vẻ đẹp huyền ảo của từng chi tiết điêu khắc đắp nổi.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên, bộ sưu tập "Vũ điệu Bách Long" như một sứ mệnh được ông thể hiện trong hơn hai tháng lao động miệt mài ngày đêm. Các tác phẩm là sự kế thừa và phát huy các hoa văn và mầu sắc của dòng gốm đắp nổi ở vùng đất cổ Dương Kinh xưa thời nhà Mạc. Bộ sưu tập với con số 100 rồng gốm gắn với truyền thuyết dân tộc Việt cùng một cội nguồn "bọc trăm trứng" của Bố Rồng-Mẹ Tiên.
Từ tình yêu và nhiệt huyết với văn hóa nghệ thuật và nghề truyền thống dân tộc, hai bộ sưu tập sơn mài và gốm rồng đã cho thấy sự tài hoa và khả năng sáng tạo của các nghệ nhân đất Việt, mang đến niềm tự hào, sự tự tin về dáng rồng bay phát triển của đất nước trong năm mới Giáp Thìn 2024.