Sáng tạo để lan tỏa giá trị hát xẩm

Hát xẩm là loại hình di sản hết sức độc đáo ở nhiều tỉnh, thành phố miền bắc. Những năm trước, hát xẩm từng đứng trước nguy cơ mai một khi nghệ nhân cuối cùng của hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời. Song với tâm huyết của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân thế hệ mới, hát xẩm đã hồi sinh một cách ngoạn mục. Không những thế, những nghệ sĩ, nghệ nhân còn có nhiều sáng tạo để lan tỏa giá trị của hát xẩm, như sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, xây dựng xẩm thành sản phẩm công nghiệp văn hóa…
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả tìm hiểu, thưởng thức hát xẩm qua sản phẩm trải nghiệm "Vẻ đẹp Đông Dương".
Khán giả tìm hiểu, thưởng thức hát xẩm qua sản phẩm trải nghiệm "Vẻ đẹp Đông Dương".

Đã có lúc hát xẩm bị kỳ thị là âm nhạc "của người ăn xin". Nhưng hôm nay, hát xẩm đang trở lại cộng đồng một cách mạnh mẽ. Nhiều người còn bỏ tiền ra để thưởng thức hát xẩm.

Những cách tiếp cận mới

Nhóm Xẩm Hà thành vừa đồng loạt đưa nhiều bài hát xẩm mà nhóm đã thể hiện, sáng tác trong những năm qua lên nhiều nền tảng số qua các kênh quốc tế như: Spotify, Apple Music… và cả các kênh âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam như: Nhaccuatui, Zingmp3… Với việc đưa lên những nền tảng phát nhạc kỹ thuật số một cách bài bản, những bài hát xẩm "cổ hủ" đã chủ động tìm đến thế hệ gen Z một cách dễ dàng.

Chỉ sau ít ngày đưa âm nhạc lên những nền tảng phát nhạc kỹ thuật số, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người sáng lập nhóm Xẩm Hà thành đã nhận được nhiều phản hồi từ thính giả. Điều ấn tượng nhất với chị là phản hồi từ những thính giả nhỏ tuổi. Một học sinh lớp 8 từ phương nam xa xôi đã tâm tình với chị, rằng em mê xẩm, nhưng chỉ sợ mọi người nghĩ mình "ngược đời", bởi nhiều người cho rằng hát xẩm là thứ âm nhạc của người già. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã chia sẻ, giải thích về hát xẩm cho người bạn nhỏ kia. Và giờ đây, bạn thỏa thích thưởng thức nghệ thuật hát xẩm trên nền tảng số - vốn được giới trẻ đặc biệt ưa thích.

Từ lâu, nhóm Xẩm Hà thành đưa hát xẩm hòa nhịp với hơi thở cuộc sống đương đại. Nhóm đã sáng tác, hoặc phối hợp các nghệ sĩ cho ra đời nhiều bài xẩm thời hiện đại, điển hình như những bài: Tiêu diệt Corona, Chồng say… đây là một bước tiến mới.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tâm sự: "Chưa mấy ai đưa hát xẩm lên nền tảng số, trong khi đó, giới trẻ lại còn thiếu hiểu biết về hát xẩm. Bởi thế chúng tôi nghĩ đến việc đưa xẩm lên những nền tảng phát nhạc chuyên nghiệp sau khi đã quảng bá qua các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube… Chúng tôi đang xem xét đưa hát xẩm lên TikTok trong thời gian tới".

Nếu như Xẩm Hà thành là nhóm đầu tiên đưa hát xẩm lên nền tảng phát nhạc số chuyên nghiệp thì có một nhóm bạn trẻ khác lại lần đầu đưa hát xẩm trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa. Từ cuối năm 2023 đến nay, Trung tâm Xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) tổ chức các buổi trải nghiệm hát xẩm định kỳ tại số 9 phố Chân Cầm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với chủ đề "Vẻ đẹp Đông Dương".

Trong không gian ấm cúng, không có khoảng cách giữa nghệ sĩ - nghệ nhân và khán giả, buổi trải nghiệm khiến người ta ngạc nhiên vì không bắt đầu bằng tiếng nhị da diết, bằng điệu xẩm trầm trầm, man mác buồn, mà bắt đầu bằng những lời kể chuyện. Đó là cuộc đối thoại giữa người "cầm trò", giữa các nghệ sĩ với khán giả để đưa mọi người vào thế giới của xẩm. Xẩm từ đâu tới, xẩm đến Hà Nội thế nào, xẩm thăng hoa ra sao những năm đầu thế kỷ 20…

Ngoài những câu chuyện, khán giả được tương tác với nghệ sĩ, được tìm hiểu về Hà Nội xưa nay qua chính những bài hát xẩm. Chẳng hạn, qua bài xẩm "Hà Nội 36 phố phường", người nghe có thể biết được những địa danh còn, những địa danh đã mất. Khán giả luôn được đặt ở trung tâm của quá trình tương tác và có thể thử làm nghệ sĩ để tìm thấy ở buổi trải nghiệm một cái gì đó gần gũi với bản thân mình.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam Nguyễn Lệ Quyên cho biết: "Mặc dù hát xẩm là loại hình di sản dễ tiếp cận với công chúng, nhưng chúng tôi vẫn coi những câu chuyện, những bài hát xẩm mới là "nguyên liệu". Làm thế nào để từ nguyên liệu đó chuyển thành một sản phẩm văn hóa, để người mua cảm thấy xứng đáng với món tiền của mình bỏ ra là điều rất khó". VICH đã phối hợp Câu lạc bộ Xẩm 48h và một số nhà nghiên cứu, nghệ sĩ trẻ tài năng khác để xây dựng sản phẩm. Mỗi buổi trải nghiệm sẽ có ba phần: Xẩm đàn, xẩm kể, xẩm ca. Trong đó, "xẩm kể" chính là những câu chuyện văn hóa, những tương tác, giao lưu với người nghe. Giá vé mỗi show là 250 nghìn đồng, một mức giá không thể coi là rẻ, nhưng Trung tâm thường bán hết vé từ khá sớm. Để bảo đảm chất lượng biểu diễn, các nghệ sĩ, nghệ nhân đều hát mộc và chỉ tiếp nhận tối đa hơn 20 khách. Thời gian diễn vào sáng chủ nhật, nhưng thường thì giữa tuần Trung tâm đã thông báo… hết chỗ.

Các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình… hiện giờ đều là những trung tâm của hát xẩm. Riêng địa bàn Hà Nội có nhiều nhóm, câu lạc bộ khác nhau chuyên hát xẩm, hoặc có tổ chức hát xẩm như: Nhóm Xẩm Hà thành, Trung tâm Xúc tiến, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, Câu lạc bộ Xẩm Tâm Việt - nơi tập hợp các nghệ sĩ, nghệ nhân khiếm thị, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, nhóm Chèo 48h, Câu lạc bộ hát dân ca, chèo làng Mọc Quan Nhân (quận Thanh Xuân)… Khi khán giả bỏ tiền ra để thưởng thức hát xẩm thì có thể coi là bước ngoặt lớn trong chặng đường hồi sinh và phát triển của loại hình di sản này.

Sáng tạo để lan tỏa giá trị hát xẩm ảnh 1
Nhóm Xẩm Hà thành.

Gần hơn với công chúng

Chặng đường hồi sinh của hát xẩm bắt đầu cách đây đúng 19 năm, hồi đó Hà Nội có một tuyến phố đi bộ duy nhất ở khu phố cổ, từ Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân. Công chúng Thủ đô đã ngỡ ngàng khi ngay trước chợ Đồng Xuân bất ngờ xuất hiện một sân khấu hát xẩm vào dịp cuối tuần.

Ở "chiếu xẩm chợ Đồng Xuân", khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được thưởng thức các bài từ xẩm chợ như "Vui nhất có chợ Đồng Xuân", hoặc được nghe xẩm tàu điện - một đặc sản của xẩm Hà thành như: "Giăng sáng vườn chè", "Hà Nội 36 phố phường"... Chiếu xẩm do Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm thực hiện. Cố nhạc sĩ Thao Giang là Giám đốc Trung tâm lúc đó, nhưng người lo công tác "hậu cần" chính là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Chị nhớ lại: "Mọi người đều biết ở chợ Đồng Xuân có hát xẩm, nhưng để xẩm xuất hiện trước công chúng có bao nhiêu công việc phải làm. Khi đi xin chính quyền địa điểm biểu diễn, nhiều người chưa hiểu tưởng hát xẩm là… đi xin tiền. Bản thân tôi phải giải thích không biết bao nhiêu lần, rồi phải kể tên những nghệ sĩ tên tuổi có tham gia chiếu xẩm ấy như NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Ngoan… thì mới được đồng ý. Các nghệ sĩ tham gia vì đều muốn làm sống lại một di sản đã bị lãng quên".

Mặc dù đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng thử thách vẫn còn rất nhiều. Các nhóm, các câu lạc bộ hát xẩm nhận được rất ít sự hỗ trợ của chính quyền về tài chính cũng như đất diễn. Từ góc độ nghiên cứu, Phó Giáo sư Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc cho rằng, để hát xẩm có thể phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đời sống, rất cần sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, quỹ văn hóa, các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và hỗ trợ việc duy trì, phát triển các câu lạc bộ, nhóm hát xẩm, các trung tâm văn hóa có sinh hoạt hát xẩm, đây chính là sân chơi cởi mở và linh hoạt để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu thích nghệ thuật hát xẩm có thể sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu, trao truyền, phổ biến.

Đối với giới trẻ, Câu lạc bộ Xẩm 48h có thể coi là một đại diện ưu tú nhất cho thế hệ trẻ gắn bó với hát xẩm. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Huyền với biệt danh Huyền "xẩm" sinh năm 2001 nhưng đã gắn bó với Câu lạc bộ Xẩm 48h nhiều năm. Huyền cũng là người tích cực quảng bá hát xẩm qua các nền tảng số như: Facebook, TikTok…, cô cũng luôn trăn trở làm thế nào để giới trẻ được tiếp cận với hát xẩm.

Huyền cho biết: "Để hát xẩm đến được với công chúng, không chỉ có nỗ lực của những người yêu hát xẩm mà cần cả cộng đồng. Chúng ta có thể kết hợp giai điệu truyền thống vào nhạc hiện đại mà vẫn không làm mất đi nét cổ của xẩm để người trẻ dễ tiếp nhận và say mê. Tôi nghĩ chúng ta nên đưa xẩm hay các loại hình nghệ thuật dân gian khác vào các tiết học về âm nhạc, các buổi ngoại khóa cho các bạn nhỏ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường để các bạn hiểu và nảy sinh tình yêu với nghệ thuật dân gian. Đó chính là biện pháp để nuôi dưỡng hát xẩm cũng như các loại hình di sản một cách bền vững nhất".