Đây là sự kiện trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương tại Angola do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu.
Tham dự Hội thảo có các kiều bào là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tại Angola, các thành viên đảng MPLA và nhiều nhà nghiên cứu, học giả.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Luanda, phát biểu khai mạc sự kiện, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, cổ vũ và khích lệ phong trào đấu tranh của các dân tộc châu Phi, nhất là các cuộc đấu tranh của nhân dân Angola, Ethiopia, Ai Cập, Tunisia, Maroc, Sudan, Ghana, Algeria, Nam Phi…
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, cổ vũ nhiệt tình cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc châu Phi, thông qua các Hội nghị Á-Phi (ở Bandung) vào năm 1955; Hội nghị các nước độc lập ở châu Phi-Accra (thủ đô Ghana) năm 1958; Hội nghị các nước độc lập ở châu Phi tại Addis Ababa (thủ đô Ethiopia)… Người coi đây là những sự kiện rất quan trọng của châu Phi trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do và tự chủ thực sự, khẳng định quyền tự quyết dân tộc của mình.
Quang cảnh Hội thảo. |
Đồng chủ trì Hội thảo, ông Manuel Domigos Augusto, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách đối ngoại đảng MPLA, bày tỏ niềm tự hào khi được tổ chức sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở đảng MPLA, nằm ngay trên Đại lộ Hồ Chí Minh ở thủ đô Luanda. Ông Augusto nhấn mạnh: “Nhìn về quá khứ, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Angola, đảng MPLA đã gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng cuối cùng đã đạt được thắng lợi nhờ vào tình đoàn kết và sự cổ vũ mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới đấu tranh vì mục tiêu cao cả: Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của con người”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tham luận của ông Phan Xuân Thủy khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam một di sản vô cùng quý báu, đó là: Thời đại Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô giá, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi”.
Theo đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng, ngày càng đi vào nề nếp, thường xuyên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào đời sống, trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt hằng ngày, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và dân tộc Việt Nam”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự cộng đồng người Việt Nam tại Angola, đảng viên Đảng MPLA và các học giả Angola. |
Một số kinh nghiệm từ Việt Nam bao gồm: thông qua công tác học tập, tuyên truyền tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; lựa chọn nội dung, hình thức học tập, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị, kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, gương điển hình trong học tập và làm theo Người; cán bộ, đảng viên nêu gương, người chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương…
Tại Hội thảo, đại diện những kiều bào là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tại Angola, anh Cù Hoàng Thắng đã có bài tham luận “Theo dấu chân Bác Hồ: Bác Hồ với châu Phi và tình cảm của nhân dân châu Phi với Bác Hồ”. Bài tham luận nhấn mạnh: “Đóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với thời đại là từ xác định đúng đắn con đường cứu nước cho dân tộc đến việc xác định được một con đường, một hướng đi và một phương pháp để thức tỉnh hàng trăm triệu người bị áp bức trong thuộc địa lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn vấn đề “làm thế nào để giải quyết các dân tộc thuộc địa”.
Với tình cảm sâu sắc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhà nước Angola đã lấy tên Người đặt cho đại lộ to, đẹp và tráng lệ nhất thủ đô Luanda. Đại lộ có tên “Avenida Ho Chi Minh” (có nghĩa là đại lộ Hồ Chí Minh), nối liền với đường Cách mạng tháng 10, với trụ sở những cơ quan quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Bài tham luận cũng khẳng định: “Hiện nay, một số nước châu Phi tỏ ý muốn được đặt tượng và xây dựng công trình tưởng niệm Hồ Chí Minh tại chính quốc. Điều này thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc, to lớn của nhân dân châu Phi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam”.
Ông Esteves Carlos Hilário, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách thông tin và truyền thông Đảng MPLA, phát biểu bế mạc Hội thảo. |
Phát biểu kết thúc sự kiện, ông Esteves Carlos Hilário, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách thông tin và truyền thông đảng MPLA, lần nữa khẳng định ý nghĩa lớn lao của Hội thảo có ý nghĩa lớn lao đặc biệt vào năm kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Angola vào năm 2025. Ông khẳng định những tham luận về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội thảo là những tư liệu quý báu và bài học lớn lao cho các thế hệ đảng viên trẻ mai sau.