Tính đến 6 giờ sáng nay, Việt Nam có tổng cộng 1.524 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 831 ca.
Trong đó, riêng Hải Dương có 643 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (năm ca), Bắc Giang (hai ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (hai ca), Hà Giang (một ca), Điện Biên (ba ca), Bình Dương (sáu ca), Hải Phòng (bốn ca ), Hưng Yên (hai ca).
10 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng gồm Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 45 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 60 ca, số ca âm tính lần 3 là 72 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có đến 82,5% không có biểu hiện lâm sàng; số biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7%. Hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, thậm chí nặng hơn BN91- nam phi công người Anh.
Trường hợp nặng khác là BN1823 đang chạy ECMO ở BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở 2 vẫn còn nhưng hy vọng tăng lên so với trước. BN1823 đã có xét nghiệm PCR virus SARS- CoV-2 mẫu dịch phế quản 1 lần âm tính.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh chiều 26-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị đã nỗ lực thực hiện chương trình nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam. Sáng 26-2, một trong ba vắc xin đang được phát triển ở Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm giai đoạn 2.
Phó Thủ tướng đề nghị, việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, nhanh nhất và chắc chắn nhất có thể”. Đến nay các đơn vị nghiên cứu đã rút ngắn 50% thời gian thực hiện giai đoạn 2, từ 6 tháng xuống 3 tháng. Theo thông tin ban đầu, vaccine chỉ sinh ra kháng thể (khả năng phòng bệnh) trong một thời gian nhất định.
Do đó, nhiều khả năng người dân đều phải tiêm nhắc lại hằng năm, không phải chỉ tiêm một lần. Việc phát triển thành công vaccine trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế; đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn chủ động trong phòng chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so vớ vaccine nhập khẩu.