Sản xuất phục hồi mạnh mẽ

Kinh tế Việt Nam tiếp đà hồi phục trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần cải thiện. Mức tăng trưởng GDP 6,42% trong sáu tháng đầu năm là tiền đề cho tăng trưởng cả năm đạt mục tiêu đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất dây điện tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp VISIP Hải Dương.
Sản xuất dây điện tại nhà máy thuộc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, Khu công nghiệp VISIP Hải Dương.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global công bố đầu tháng 7/2024 ghi nhận ngành sản xuất của Việt Nam gia tăng mạnh vào cuối quý II và có bốn tháng duy trì ngưỡng hơn 50 điểm.

Nền tảng cho tăng trưởng

Đáng lưu ý, số lượng đơn đặt hàng mới đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2011. "Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận, từ đó các công ty có thể tăng sản lượng và hoạt động mua hàng, tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong ba tháng", Báo cáo của S&P Global nêu rõ.

Dẫn lời ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, Báo cáo nêu trên nhận định ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh.

Đi cùng với mức tăng trưởng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt là chi phí vận tải khiến giá cả đầu vào tăng theo. Bên cạnh đó, lạm phát tăng có thể làm giảm nhu cầu trong tương lai, nhưng hiện nay, các công ty vẫn tận hưởng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp đang có tốc độ phục hồi tích cực trên nền tảng khá thấp của cùng kỳ năm trước với giá trị tăng thêm đạt 8,55%. Trong đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bứt phá ở mức hai con số, trở lại là động lực chính cho tăng trưởng vì ngành này chiếm hơn 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp.

Đáng lưu ý, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có dấu hiệu khởi sắc khi tính chung sáu tháng, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ; bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng 18,4% so với cùng kỳ; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điểm tích cực là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cho thấy 37,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn; 41,6% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 21% đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý III/2024, có 40,7% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 83,6% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 83,2% và 82,7%.

"Kết quả tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra từ 5,5% đến 6% là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định.

Sản xuất phục hồi mạnh mẽ ảnh 1

Sản xuất bao bì màng mỏng chất lượng cao tại Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh, tỉnh Hải Dương. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Triển vọng tích cực nhưng cần thận trọng

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam sáu tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi những yếu tố đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng trưởng tích cực của ngành dịch vụ và hoạt động xuất khẩu; cùng với đó là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai thực hiện các luật sửa đổi, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024 sẽ là một trong những động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Vì luật sửa đổi đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới; trong đó, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức cho sự phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm. Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam gây bất ngờ trong quý II/2024 và tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay.

Tuy nhiên đà tăng trưởng có thể chậm lại ở nửa cuối năm do những rủi ro bên ngoài như xung đột ở Ukraine và Trung Đông có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và các thị trường năng lượng. Do đó, các chuyên gia của UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay là 6%.

Từ góc nhìn sản xuất, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ cần triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả; có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần bảo đảm nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm nắng nóng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, nhóm nghiên cứu của VEPR kiến nghị trong ngắn hạn, các giải pháp điều hành cần đặt trọng tâm vào ưu tiên công cụ tài chính thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công bảo đảm đúng tiến độ của các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Về giải pháp trung và dài hạn, cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghiệp phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử… để tạo động lực đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tập trung nguồn lực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động trong kế hoạch chi tiêu ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đáng lưu ý là cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để bảo đảm tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng, cũng như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Cụ thể, tiếp tục tạo thuận lợi thu hút, giải ngân vốn đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường vận động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết và thúc đẩy ký kết các FTA mới…; đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại…

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)